Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên: Kiến tạo cơ hội thu hút FDI

Nhà máy Samsung Electronics Vietnam Thái Nguyên.

 

Theo ông Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên, Sở đang tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương, đơn vị.

Với chiến lược phát triển toàn diện, trọng điểm, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên được đánh giá là nền tảng để kiến tạo cơ hội, đưa kinh tế tỉnh tăng tốc toàn diện, nhất là trong thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng.

Mục tiêu đề ra trong quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 là: đến năm 2025, Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội. Tỉnh đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.245 ha, trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung; quy hoạch 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067 ha, sẵn sàng chờ đón các nhà đầu tư.

Tỉnh cũng chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo với các nhóm ngành chuyên môn hóa cao; phát triển các cụm ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, điện tử và sản xuất kim loại, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường.

Thái Nguyên là “mảnh đất hứa” trong đầu tư với những chính sách ưu đãi đặc thù. Tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại cho người lao động. Đây là cơ chế riêng có của Thái Nguyên. 

Để đảm bảo yêu cầu phát triển ngành công nghiệp hiện đại, tỉnh quan tâm nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu. Từ đó, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy, nâng cao hiệu quả kinh tế các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển theo chiều sâu các khu công nghiệp để tăng tính cạnh tranh quốc gia. Hình thành các cụm liên kết ngành quy mô lớn.

Việc triển khai có trọng tâm, trọng điểm các nội dung của quy hoạch sẽ giúp tỉnh phát huy được lợi thế vị trí trung tâm vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong thu hút FDI. Tại Quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng Trung du và miền núi phía Bắc được định hướng phát triển theo hướng xanh, bền vững và toàn diện. Tập trung bảo vệ, khôi phục rừng; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản. Vành đai công nghiệp Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ được xây dựng trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng cả vùng, trong đó Thái Nguyên khẳng định với những lợi thế trong thu hút FDI.

PGS-TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: "Đặt trong bối cảnh cuộc đua tranh của Việt Nam và toàn cầu thì vị thế vùng đã giúp Thái Nguyên định vị rõ hơn, biến lợi thế tiềm năng thành lợi thế hiện thực, thành một trung tâm công nghiệp công nghệ cao, mà nền tảng cốt lõi chính là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo".

Đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn nước ngoài, Thái Nguyên được biết đến là khu vực có tiềm năng, thế mạnh lớn về vị trí địa lý, tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao.

Có thể nói, Thái Nguyên đang sở hữu đầy đủ các yếu tố cần thiết để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, ngay cả những nhà đầu tư khó tính nhất. Do đó, với định hướng và giải pháp liên quan đến phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư được nêu trong Quy hoạch sẽ góp phần củng cố năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh, từ đó kiến tạo thêm cơ hội để tỉnh thu hút “đại bàng” đến làm tổ. 

Ông Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên từng nhấn mạnh trước các nhà đầu tư rằng, Thái Nguyên là “mảnh đất hứa” trong đầu tư với những chính sách ưu đãi đặc thù. Tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại cho người lao động. Đây là cơ chế riêng có của Thái Nguyên. Các nhà lãnh đạo của tỉnh đều trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm... Sự nhiệt huyết, quyết liệt và thống nhất trong chỉ đạo, điều hành đã tạo nên một chính quyền kiến tạo, đưa ra nhiều quyết định bứt phá.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 191 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 10,5 tỷ USD. Trong đó, dự án tiêu biểu nhất là nhà máy của Samsung. Từ một dự án ban đầu với số vốn 2 tỷ USD, chỉ sau 1 năm, Dự án đã tăng thêm 3 tỷ USD. Liên tục sau đó, Samsung giữ lời hứa thực hiện cam kết tăng vốn đầu tư và mở rộng sản xuất. Gần đây nhất, Samsung đã tăng vốn thêm 1,187 tỷ USD vào Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam, nâng tổng mức đầu tư của Tập đoàn tại Thái Nguyên lên hơn 7,5 tỷ USD.

Ngoài ra, các tập đoàn đầu tư lớn của Hàn Quốc như SK EcoPlant, Hyosung, CJ, Lotte E&C, Asam Security, Hana, KepCo… cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến tỉnh.

 Nguồn: baodautu.vn