Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ vũ trụ

Mục tiêu quan trọng của “Chiến lược phát triển và ứng dụng KHCN vũ trụ đến năm 2030” là Việt Nam cần làm chủ công nghệ và tiến tới tự sản xuất vệ tinh nhỏ. Để thực hiện được mục tiêu đó, ngay từ năm 2007, Việt Nam đã lựa chọn hướng làm chủ công nghệ vệ tinh cỡ nhỏ và cho đến nay đã đạt được những thành tựu nổi bật.

Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam chính thức bàn giao cho Nhật Bản ngày 17/8/2021. (Ảnh: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam)

Theo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là ứng dụng rộng rãi thành tựu của khoa học và công nghệ vũ trụ; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực có liên quan đến quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, giám sát và hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cung cấp đa dạng dịch vụ cho người dân; nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước, góp phần bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế-xã hội và bảo đảm các lợi ích quốc gia khác. Để thực hiện mục tiêu trên, cần thiết phải chuẩn bị một tổ chuyên gia cùng thực hiện khảo sát, nghiên cứu liên quan để từng bước xây dựng và triển khai nhiệm vụ này.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) cho biết, thời gian qua VNSC đã phối hợp với nhóm tư vấn của Nhật Bản, các bộ, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp để khảo sát về nhu cầu dữ liệu ảnh vệ tinh, năng lực khai thác dữ liệu vệ tinh, cũng như khả năng, nhu cầu tham gia vào quá trình phát triển vệ tinh tại Việt Nam.

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, quá trình chế tạo vệ tinh cỡ nhỏ của Việt Nam bắt đầu từ năm 2007 với vệ tinh PicoDragon và được chế tạo hoàn toàn trong nước. Thời điểm đó, hầu như các thiết bị vệ tinh phải tự chúng ta phát triển, chức năng của vệ tinh cũng rất đơn giản. Sau nhiều năm nghiên cứu, chế tạo cùng với sự giúp đỡ của Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), các kỹ sư của Việt Nam đã chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ “made in Vietnam” đầu tiên. Ngày 19/11/2013, PicoDragon có khối lượng 1kg đã được phóng thành công vào quỹ đạo từ Trạm vũ trụ quốc tế. Sau đó, Trạm mặt đất VNSC và các nơi trên thế giới cũng đã ghi nhận thành công tín hiệu liên lạc. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu PicoDragon trở thành vệ tinh do Việt Nam tự phát triển đầu tiên hoạt động thành công trong không gian.

Sau vệ tinh PicoDragon, VNSC thực hiện chế tạo vệ tinh MicroDragon với khối lượng 50kg tại Nhật Bản. Tại đây, 36 kỹ sư của VNSC được cử đến 5 trường đại học hàng đầu Nhật Bản tham gia khóa học thạc sĩ công nghệ vũ trụ, đồng thời tham gia thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh MicroDragon dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật Bản. Vệ tinh MicroDragon được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa Epsilon 4 vào ngày 18/1/2019 tại bãi phóng Uchinoura (Nhật Bản) và đã kết nối thành công với trạm mặt đất.

Tiếp nối vệ tinh MicroDragon, từ năm 2017, VNSC đã nghiên cứu phát triển vệ tinh lớp nano dạng Cubesat 3U có tên NanoDragon nặng khoảng 4kg. Toàn bộ quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh được thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam bởi các cán bộ nghiên cứu của VNSC. Vệ tinh NanoDragon được thiết kế thử nghiệm công nghệ, chất lượng của hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh. Ngày 9/11/2021, vệ tinh NanoDragon đã được phóng thành công lên vũ trụ.

Với việc chế tạo thành công các vệ tinh trên, có thể khẳng định Việt Nam có thể hoàn toàn làm chủ công nghệ trong tương lai.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng cho biết, Việt Nam khó có thể nghiên cứu mọi lĩnh vực liên quan đến KH&CN vũ trụ và làm chủ công nghệ chế tạo tất cả loại vệ tinh, bởi lĩnh vực này chúng ta tiếp cận muộn so với các nước trên thế giới, tiềm lực kinh tế cũng như trình độ KHCN của ta còn hạn chế…

Bởi vậy, để phát triển công nghệ vũ trụ, theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn cần có cơ chế quản lý đặc biệt cho các dự án đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ vũ trụ với độ rủi ro và mạo hiểm rất cao như chế tạo vệ tinh... Đầu tư dài hạn và đủ tầm để hiện thực hóa quá trình làm chủ công nghệ và chế tạo các vệ tinh “made in Vietnam”, tiến tới phát triển và hoàn thiện Hệ thống quan sát trái đất bằng vệ tinh của quốc gia.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, đặc biệt trong nghiên cứu chế tạo và sản xuất vệ tinh... Việt Nam cũng cần sớm tham gia các công ước của Liên hợp quốc về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình, điều này có ý nghĩa quan trọng tương tự như việc Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về biển.

Việt Nam cũng cần xác định không gian vũ trụ là một trong 5 không gian (vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gian mạng và không gian vũ trụ) mà chúng ta cần làm chủ để bảo vệ quyền lợi quốc gia. Xây dựng chiến lược phát triển vũ trụ dài hạn với sự đầu tư có trọng điểm, tạo tiền đề cho phát triển bền vững ngành vũ trụ Việt Nam.

Theo đánh giá các chuyên gia của Nhật Bản, xu hướng chùm vệ tinh đang diễn ra trên toàn cầu, việc phát triển vệ tinh và tận dụng dữ liệu vệ tinh theo chùm nên được thúc đẩy. Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để mở rộng các ứng dụng từ các công nghệ vệ tinh mới ra khu vực ASEAN và châu Á Thái Bình Dương. Do đó, sự kết hợp tốt nhất giữa các cơ sở hạ tầng dưới mặt đất cũng như các vệ tinh của Việt Nam với công nghệ và dịch vụ từ các nước phát triển khác là điều vô cùng quan trọng./.

Nguồn: Bích Liên