Công nghệ make in Việt Nam có thể cạnh tranh ở nước ngoài

CEO RealTime Robotics Lương Việt Quốc cho rằng, công nghệ do người Việt làm ra đang dần có chỗ đứng và cạnh tranh sòng phẳng tại các thị trường phát triển.

Nhận định này được TS Lương Việt Quốc nêu khi dự Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 (VGLF) vừa diễn ra. Sự phát triển, thích ứng của Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ là một trong những chủ đề được các chuyên gia người Việt trên khắp thế giới, bàn thảo tại diễn đàn lần này.

TS Lương Việt Quốc, CEO RealTime Robotics, đánh giá người Việt có khả năng tạo ra các sản phẩm công nghệ cạnh tranh ở các thị trường phát triển. Ông ví dụ, công nghệ drone (máy bay không người lái được điều khiển từ xa hoặc tự động) do RealTime Robotics nghiên cứu, chế tạo có thời gian hoạt động, công suất cao gấp nhiều lần các mẫu tương tự của công ty nước ngoài. Sản phẩm này đã xuất khẩu thành công sang Mỹ, nơi công nghệ cạnh tranh khốc liệt.

"Lựa chọn đúng đối tượng, công đoạn cần tập trung cải tiến, sáng tạo là yếu tố quyết định thành công", ông chia sẻ.

 

Xưởng chế tạo drone không người lái của TS Lương Việt Quốc. Ảnh: Gia Chính

Tương tự, GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata (Vingroup) nói, nhiều thành quả công nghệ được người Việt kiến tạo với sự đầu tư mạnh từ các đơn vị lớn, có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm quốc tế. Ví dụ, sản phẩm trợ lý ảo thông minh trên các dòng xe điện VinFast được đào tạo từ hàng nghìn giờ giọng nói tiếng Việt chất lượng cao.

Đồng thời, việc chia sẻ những bộ dữ liệu mở, chất lượng cao cho cộng đồng cũng là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Trong khi đó, ông Nguyễn Triệu Huy, Giám đốc điều hành The Disruptive Group (Anh) chia sẻ về những biến đổi của kinh tế xã hội từ trí tuệ nhân tạo (AI). Ông nói, Việt Nam mới có 2-3 startup thành công định giá tỷ đô, con số khiêm tốn so các quốc gia trong khu vực.

"Để chuẩn bị tốt cho kỷ nguyên biến động mới, chúng ta cần trả lời được câu hỏi kỹ năng, vai trò nào là cần thiết để định hình, tách biệt AI và con người", ông nói.

Dựa trên khảo sát, ông Huy cho rằng các yếu tố sẽ đóng vai trò quan trọng cho thành công trong giai đoạn này, gồm kỹ năng mềm - cứng, tri thức về lĩnh vực trong doanh nghiệp, tư duy và kinh nghiệm thực tiễn.

"Có những kỹ năng trên thì sẽ không còn nỗi lo về mất việc", ông nhận định.

Ở khía cạnh này, GS Vũ Hà Văn nói thêm, các Quỹ đổi mới sáng tạo giữ vai trò quan trọng trong giải quyết những vấn đề xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau trước làn sóng đổi mới. Các quỹ này có thể hỗ trợ hàng nghìn trẻ em vùng sâu vùng xa được tiếp cận giáo dục STEAM hay giảm khoảng cách chênh lệch giới trong các lĩnh vực công nghệ cao, góp phần tích cực trong việc thay đổi chính sách.

Ngoài công nghệ, các chuyên gia cũng đánh giá, Việt Nam đang có tín hiệu tốt ở nhiều mặt trong bối cảnh hiện tại. "Việt Nam đang ở đúng cơ hội, thời điểm để tìm ra con đường cùng nhau hướng tới thịnh vượng", Nguyên Phó thủ tướng Đức Philipp Rösler nhìn nhận.

Ông cũng cho rằng, Việt Nam có thể đóng vai trò vì lợi ích của nhân loại. "Chúng ta hãy gắn kết mọi người lại với nhau, để cùng nhau tìm ra giải pháp. Hãy thảo luận về cách chúng ta có thể duy trì và cùng nhau phát triển", ông Philipp Rösler nói.

Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng (VGLF) do Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu tổ chức lần đầu năm 2019. Năm nay, VGLF thu hút hơn 100 người Việt trên khắp thế giới, nhằm kết nối nguồn lực, tri thức người Việt ở nước ngoài, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

 

Nguồn: vnexpress.net