Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam

Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Không chỉ cung cấp nguồn thức ăn cho cư dân ven bờ từ hàng nghìn năm nay, Biển Đông còn tạo điều kiện để phát triển các ngành kinh tế và là cửa ngõ để Việt Nam có quan hệ trực tiếp với các vùng miền của đất nước, giao thương với thị trường khu vực và quốc tế, là nơi trao đổi và hội nhập của nhiều nền văn hoá.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo vì sự phát triển bền vững đất nước, cũng như ý nghĩa trọng đại của Ngày Đại dương Thế giới 8/6, năm 2008, Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, ngay từ những tháng đầu thành lập đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép tổ chức một Tọa đàm về ngày này. Cuộc tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của nhiều bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam. Những người tham gia tọa đàm nhận thấy cần phải tổ chức Tháng hoặc Tuần lễ biển đảo cho Việt Nam để có những hành động thiết thực hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới 8/6.

Trong quá trình soạn thảo Nghị định Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đồng ý đề xuất của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đưa vào dự thảo Nghị định này “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam để hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới 8/6 và Ngày Môi trường Thế giới 5/6”. Ngày 06/3/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, trong đó có yêu cầu tổ chức hằng năm “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” để hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới 8/6.

Biển và đại dương là nơi dự trữ cuối cùng của loài người về các nguồn lương thực, thực phẩm, năng lượng và nguyên nhiên liệu. Nhưng trên thực tế, sự hiểu biết kỹ lưỡng về chúng lại chủ yếu thuộc về các nhà khoa học và các nhà quản lý chuyên ngành, trong khi để quản lý khai thác lâu dài nguồn lợi khổng lồ này lại cần đến sự tham gia của các bên liên quan, của người dân ven biển và của toàn xã hội.

Biển nước ta giàu tài nguyên thiên nhiên, là nơi nương tựa của hàng chục triệu người dân đất Việt, là không gian sinh tồn của dân tộc, là địa bàn chiến lược trong bảo vệ và phát triển đát nước, là phần Tổ quốc thiêng liêng trên biển của đất nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế... Vì vậy, để tổ chức thành công “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” hằng năm với các hoạt động thiêt thực đối với đất nước và bắt nhịp với yêu cầu thời đại, sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị và mỗi người dân về chức năng, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển và đại dương đối với sự phát triển bền vững đại dương, đối với việc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Từ đó khơi dậy ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, tinh thần tự hào dân tộc của mọi người dân Việt Nam đối với chủ quyền của vùng biển Tổ quốc, đối với chính cuộc sống của cộng đồng và đối với sự nghiệp phát triển kinh tế biển lâu dài của đất nước, góp phần “đưa nước ta trở thành một quốc gai giàu lên từ biển, mạnh lên từ biển” theo tinh thần Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020.

Ngày 12/6/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 950/TTg-KTN công nhận “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương ven biển tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam từ ngày 01 đến ngày 08 tháng 06 hàng năm. Mục đích của “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về: Vị trí, tầm quan trọng của biển, hải đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Tầm quan trọng của đại dương đối với cuộc sống, sức khỏe của con người; Sự cấp bách cần phải hành động bảo vệ đại dương thông qua những hành động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tài nguyên và môi trường biển, hải đảo cho sự phát triển bền vững của đất nước, bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo của Tổ quốc.

Từ đó đến nay “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” đã trở thành một sự kiện được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh thế mạnh và tiềm năng của biển, hải đảo Việt Nam, nhằm khơi dậy ý thức trách nhiệm với biển và chủ quyền vùng biển đất nước. Thông qua những hoạt động thiết thực, sự kiện đã thu hút và tạo được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận xã hội.

Hiện nay, không chỉ vào thời điểm tổ chức “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” chúng ta mới hành động, mà thường xuyên trong suốt cả năm chúng ta đều có những hành động tiết thực hướng về biển và đại dương. Các cơ quan Nhà nước và rất nhiều tổ chức đã tham gia phát động các chiến dịch bảo vệ môi trường, nổi bật như Chiến dịch “Biển Việt Nam xanh” của Bộ Văn hóa–Thể thao-Du lịch, Dự án hợp tác “Vì một thế giới không rác thải” của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam và CocaCola Foundation, phong trào ZeroWaste, Plastic Free Challenge… Ngưu dân được tuyên truyền thực hiện nghiêm Chỉ thị số 54/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) Đảng ta đã xác định mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu: phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh./.