"Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam là bước nâng cấp quan hệ lớn đối với Mỹ, kết quả từ nỗ lực không ngừng nghỉ của hai nước", BBC bình luận về việc Việt Nam và Mỹ ngày 10/9 xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Joe Biden.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden, cũng như việc hai nước nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới. Trong bài đăng trên mạng xã hội X cùng ngày, Tổng thống Biden nhấn mạnh về "chuyến thăm lịch sử", thêm rằng Việt Nam và Mỹ "có cơ hội to lớn để trở thành các đối tác rất quan trọng".
BBC cũng nhắc lại lời của Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, nói trước chuyến thăm của ông Biden rằng Việt Nam có "vai trò dẫn đầu trong mạng lưới quan hệ đối tác ngày càng tăng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" mà Mỹ hướng tới.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden trước khi bắt đầu hội đàm tại Hà Nội ngày 10/9. Ảnh: Giang Huy
Los Angeles Times cho hay việc nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất giữa Việt Nam và Mỹ là bằng chứng cho thấy "mối quan hệ này đã vươn rất xa so với điều mà ông Biden từng gọi là 'quá khứ cay đắng'".
"Việc nâng cấp quan hệ Mỹ - Việt mang ý nghĩa to lớn do lịch sử phức tạp giữa hai bên", Jeremy Diamond và Kevin Liptak, hai nhà bình luận của CNN, cho hay.
Trong cuộc hội đàm hôm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra quan hệ Việt - Mỹ đã "trải qua không ít thăng trầm, đặc biệt là cuộc chiến tranh dài ngày, khốc liệt nhất trong thế kỷ 20 sau Thế chiến II". Dù vậy, quan hệ hai nước đã có bước phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất, hiệu quả kể từ khi hai nước bình thường hóa năm 1995, đặc biệt là sau khi xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2013.
"Chúng ta đã đi từ xung đột cho tới bình thường hóa quan hệ và giờ đây chúng ta nâng cấp mối quan hệ nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng tại một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới", Tổng thống Biden nói trong hội đàm.
Kể từ khi thiết lập Đối tác Toàn diện tháng 7/2013, hai bên đã tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, kinh tế, giáo dục, đến khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh.
Thương mại Việt - Mỹ đạt hơn 123,86 tỷ USD năm 2022, tăng 11% so với năm 2021. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ trên thế giới, lớn nhất trong ASEAN.
Wall Street Journal dẫn lời Erin Murpy, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình châu Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), nói rằng việc nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện cho thấy quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ "tiếp tục nồng ấm".
Washington Post bình luận Tổng thống Biden đang "đưa Mỹ đến gần Việt Nam hơn bất kỳ lúc nào, với việc công bố quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ gắn kết hai nước ở mức độ sâu rộng hơn về mặt ngoại giao".
Nhiều tờ báo, trang tin khác trong khu vực như Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Indonesia cũng đồng loạt đưa tin về sự kiện.
Báo Kompas của Indonesia đăng bài viết với tiêu đề "Chương mới của quan hệ Việt - Mỹ", trong đó nhận định "Việt Nam và Mỹ đã bắt đầu kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương, vươn lên trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện".
Macau Daily Times, một trong hai tờ báo tiếng Anh tại Macau, Trung Quốc, đưa tin về sự kiện và dẫn lời Jon Finer, phó cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, nói rằng Đối tác Chiến lược Toàn diện là cấp cao nhất trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam. "Điều đó có ý nghĩa rất lớn, thể hiện mức độ sâu sắc và tầm hợp tác trong quan hệ", Finer nói.
Hãng Sputnik của Nga dẫn lời giáo sư Anna Malindog-Uy, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Thế kỷ châu Á tại Manila, Philippines, cho hay Việt Nam có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ vì các lý do về chính trị, kinh tế và địa chính trị, trong đó có vị trí địa lý chiến lược.
Việt Nam đến nay đã có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 5 nước lớn trên thế giới, gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Mỹ.