"Nguồn gốc của Đại học không phải là dạy nghề"

Đọc sách của ông, có thể thấy những trường đại học đầu tiên được biết đến như Bologna, Paris, Oxford... đã ra đời từ thời Trung cổ, khoảng thế kỉ XII. Vậy ở thời điểm đó, học đại học để làm gì, thưa ông?

Những đại học này ra đời khi mà châu Âu ở Trung cổ hồi phục lại về kinh tế, an ninh chính trị. Lúc đó, người ta mới nghĩ tới việc giáo dục để nâng cấp văn hóa. 

Giáo dục đại học thời Trung cổ không nhắm vào một ngành nghề nhất định. Ai cũng có thể học. Và mục đích của đại học Trung cổ là làm sao để cho người biết tư duy, tư duy một cách logic, có lý tính và không tin vào những cái điều mà không được chứng minh. Tức là có óc phê phán.

Việc học này gồm 7 môn, gọi là 7 môn khai phóng. Gồm 1 bộ 3 ngôn ngữ: văn phạm, logic, hùng biện và những môn học như là số học, thiên văn học... Sở dĩ chia ra như vậy là để sau 4 năm học của 3 môn đầu tiên, người học nhận được bằng như bằng cử nhân hiện nay. Tếp theo đó, người học sẽ có bằng như bằng thạc sĩ. Sau khi học hết 7 năm thì người học có thể học về y, luật, thần học… để đi làm nghề. 

Biểu tượng minh họa của 7 môn nghệ thuật khai phóng và các lớp đại học thời Trung cổ

Đại học thời Trung cổ có tính tự do, tự chủ rất cao. Lúc đầu, nó được gọi là universitas, gần như chưa có nghĩa gì về học mà như một "cái phường" như những phường nghề khác lúc bấy giờ. Nhưng "cái phường" này lo về học thuật. Mãi sau này, vào thế kỷ XIV - XV thì chữ universitas mới trở thành "đại học". Tự nhiên, một "nghề" mới xuất hiện là "nghề trí thức", độc lập với các đẳng cấp khác như giới quý tộc, giới vua chúa, hay nhà thờ.

Đại học Trung cổ có một số đặc tính nhất định. Đó là một đại học mở, ai muốn học thì học. Các thầy có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, từ nhiều xứ khác nhau. Ngôn ngữ chính là tiếng La tinh. Học sinh thì có thể từ mọi giới. Tức là đại học không phục vụ cho một đẳng cấp nào nhất định, ai muốn đến học thì học. Và nó cũng không có cơ sở vật chất hữu hình như một trường học, mà nhiều khi hôm nay mượn nhà thờ giảng bài, hôm sau thì giảng trên một cái gác. Ví dụ như thế. Nhưng mà dần dần rồi nó sẽ định hình, và tất cả những đại học sau này tồn tại cho tới bây giờ.

TS. Nguyễn Xuân Xanh

Đại học thời Trung cổ là đại học mở, ai muốn học thì học. Các thầy có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, từ nhiều xứ khác nhau. Học sinh thì có thể từ mọi giới.

Đặc tính quan trọng của đại học thời Trung cổ là giúp cho con người biết suy nghĩ một cách logic, phản biện. Tính chất phản biện của giáo dục khai phóng rất quan trọng, bởi vì không có tư duy phản biện thì sẽ không có phát hiện ra những chân lý mới. 

Ông có nói đến một thông tin rất thú vị. Đó là ai cũng có thể học đại học. Như vậy thì không biết câu chuyện tuyển sinh thời Trung cổ có khác biệt như thế nào so với ngày nay? 

Trước nhất, người học phải đầy đủ năng lực về ngôn ngữ (tiếng La tinh). Đó là yêu cầu duy nhất thôi cùng với mong muốn được đi học. Thời đó, các thầy có tính cạnh tranh với nhau, phải làm sao để giảng hay, phải làm sao hay hơn để thu hút các học sinh giỏi. Và ngược lại, các đại học vẫn cạnh tranh với nhau để thu hút các thầy giỏi và các học sinh giỏi. Nói chung là đại học bấy giờ có tính cách mở và phục vụ xã hội chứ không phục vụ tầng lớp, giai cấp nào.

Những đại học lâu đời nhất của thế giới: Bologna (1088), Oxford (1096), Padua (1222)

Một điểm rất thú vị là tại sao vào thời điểm đó châu Âu sống dưới "1 nhà thờ, 1 đức tin", quyền hạn của nhà thờ rất mạnh, vua chúa cũng không bằng nhưng chủ trương học lý tính, học khoa học để làm gì? Đó là một đặc điểm mà ở các nền văn minh khác không có, đặc biệt là ở phương Đông không có. Lý do thứ nhất là những cha nhà thờ thừa hưởng gia tài học thuật của Hy Lạp. Thứ hai là họ không muốn vô minh. Họ muốn rằng, họ tin rằng, với lý tính, với tính chất khoa học đó thì họ hiểu Chúa hơn, hiểu những cái tác phẩm của Chúa hơn và do đó họ gần Chúa hơn. Họ muốn có khoa học được khai sáng chứ không phải là khoa học chỉ tin thôi. Đó là điểm son của châu Âu. Và từ đó nó mới nảy ra đại học. Đại học Trung cổ chính là đường dẫn tới cuộc cách mạng khoa học tự nhiên sau này ở thế kỷ XVII.

Đại học Trung cổ cuối cùng nhường chỗ cho loại đại học khác, lấy nghiên cứu khoa học làm trọng tâm mà nổi bật nhất là đại học nghiên cứu Đức. Trong lời mở đầu cuốn sách "Kỷ yếu HUMBOLDT 200 năm", ông cũng viết: "ĐH Humboldt (Berlin, Đức) là Bà Mẹ của đại học hiện đại thế giới". Vậy đâu là điểm khác biệt làm nên tinh thần Humboldt mà chúng ta vẫn thường nhắc đến ngày nay?

Ở Đức đầu thế kỷ thứ XIX, sau khi nhà nước Phổ thua Napoleon trong một đêm, quân đội bị đánh sập thì cả bộ máy bắt đầu cải cách. Đó cũng là lúc Đại học Humboldt (tiền thân là Đại học Berlin) được ông Wilhelm von Humboldt - một học giả nhân văn - thành lập với sứ mệnh trở thành đại học hoa tiêu để lấy sức mạnh tinh thần bù đắp cho những tổn thất của vật chất. Sau này Đại học Humboldt là khúc quanh rất lớn, là "đột biến gen". Nó có những nguyên tắc khác với lúc bấy giờ. Đại học ngày xưa nói nhiều về kinh viện hơn là học để trả bài và không có một định hướng nhất định. Trong khi Đại học Humboldt lấy nghiên cứu khoa học là định hướng và khoa học là trọng tâm sinh hoạt.

Wilhelm von Humboldt (1767-1835), nhà triết học ngôn ngữ, lý thuyết gia tự do về nhà nước, “kẻ nổi loạn cho tự do” và cải cách giáo dục trường học và đại học. (Ảnh tư liệu)

Đại học Humboldt có hai nguyên tắc quan trọng. Thứ nhất là tự do dạy, tự do học, tức là tự do học thuật. Thứ hai là xem khoa học, học thuật là nội dung chính của sinh hoạt, lấy cô đơn và tự do làm lẽ sống. Theo đó, nhà nước không nên can thiệp hay đối xử với các trường đại học như trường trung học và các trường nghề. Bởi lẽ, theo ông Humboldt, nếu mục tiêu của đại học được thỏa mãn thì mục tiêu của nhà nước sẽ còn được thỏa mãn gấp nhiều lần hơn và đó chính là sự thật. 

Những nguyên tắc đó tạo nên sự độc lập, tự chủ, tự do học thuật giúp Đại học Humboldt phát triển mạnh vô cùng ở thế kỷ thứ XIX. Đó cũng là cơ sở để Đức trở thành cường quốc trong diễn ra cuộc cách mạng khoa học lần thứ 2, khi các ngành khoa học tự nhiên lý thuyết, ứng dụng phát triển như vũ bão. Khoa học không chỉ là "tháp ngà" mà đi vào phòng thí nghiệm, vào các ứng dụng khoa học trong các công ty lớn. 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh: Sứ mạng của đại học không phải là dạy nghề! - Ảnh 8.

ĐH Humboldt 1949 (Ảnh tư liệu)

Đây là cuộc trồng người theo đúng nghĩa, không cần trăm năm, mà chỉ cần khoảng 10 - 15 năm trở đi để có một thế hệ tinh hoa mạnh mẽ mới. Sự phát triển của đại học nghiên cứu đã tạo ra một cuộc cách mạng khoa học thứ hai, một thiên hà ngành nghề khoa học mới cho tuổi trẻ theo đuổi. Hiệu quả của nó còn lớn hơn hiệu quả của cuộc cách mạng thứ nhất, tạo ra tiến bộ xã hội và phồn vinh ngày càng lớn. Sự lan tỏa đại học nghiên cứu còn mạnh mẽ hơn đại học Trung cổ nhiều. Nó phục vụ rõ ràng đắc lực cuộc công nghiệp hóa lần thứ hai đang diễn ra rộng rãi trên thế giới, tiếp theo cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 18 xuất phát tại Anh quốc. Nó phát triển sang châu Á: Nhật Bản rồi Trung Quốc, thay đổi cái học Nho giáo cũ. Sự hình thành của đại học nghiên cứu ra đời đáp ứng sự hình thành các nhà nước dân tộc mới nổi.

Nhìn lại, cả hai đại học thời Trung cổ, lẫn nghiên cứu, đã xuất hiện như những "đổi mới đột biến", như một tầm nhìn vượt khỏi hiện trạng xã hội. Nó chuẩn bị cho những xã hội, quốc gia của tương lai ở tầm cao hơn.

Có lẽ sau đại học nghiên cứu Đức, đại học Mỹ là điểm nhấn rất quan trọng. Từ sau thế chiến II, đại học Mỹ trở thành hải đăng dẫn đầu thế giới. Xin ông cho biết họ phát triển thế nào để đạt tới trác việt như thế?

Lịch sử đại học Mỹ là một chương rất kỳ thú. Nền giáo dục cũ của các college, từ thời Harvard năm 1636 trở đi, với các môn thần học, các tác phẩm kinh điển và triết học đạo đức thống lãnh chương trình giảng dạy để cho ra các mục sư, và công chức nhà nước, là 2 trong những sản phẩm chính. Nhưng vào những thập niên cuối của thế kỷ XIX, nền giáo dục đó sẽ từng bước nhường chỗ lại cho giáo dục đại học theo mô hình nghiên cứu Đức.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh: Sứ mạng của đại học không phải là dạy nghề! - Ảnh 10.

ĐH Harvard (1636) với tầm nhìn “Thăng tiến sự học và vĩnh cửu hoá cho đời sau” (Ảnh tư liệu)

Có thể nói, Mỹ là quốc gia tiếp thu mô hình đại học nghiên cứu Đức một cách đam mê nhất thế giới. Từ những thập niên cuối thế kỷ 19, hàng nghìn sinh viên, nhà lãnh đạo đại học Mỹ đã sang châu Âu học và tham khảo đại học nghiên cứu Đức. Sau đó một loạt đại học như Johns Hopkins, Michigan, Harvard, Cornell, đưa chương trình nghiên cứu khoa học vào đại học, tạo ra các bậc thạc sĩ và tiến sĩ, đánh thức tinh thần đại học đích thực. Từ đây, bộ mặt đại học Mỹ ngày càng đổi khác nhanh chóng.

Đại học Mỹ, như Clark Kerr (nguyên Chủ tịch Đại học California) nhận xét, được kết tinh từ 3 yếu tố: nhân văn (của Anh cho cử nhân), nghiên cứu (của Đức cho thạc sĩ và tiến sĩ), và phụng sự (tinh thần Mỹ), đáp ứng những nhu cầu của xã hội bằng nghiên cứu khoa học. Họ phát triển mạnh nghiên cứu nhưng vẫn cố gắng giữ phần giáo dục khai phóng của các colleges truyền thống, vì đó là giáo dục làm con người thành con người, công dân có trách nhiệm.

Các nhà lãnh đạo Mỹ khám phá loại tự do học thuật như một loại "phúc âm" mới, và đã truyền bá nó mạnh mẽ xuyên khắp các đại học của họ, để từ phúc âm tạo ra phúc lợi cho xã hội.  Nhà nước Mỹ cũng xem quan hệ giữa đại học và chính trị là quan hệ đối tác-chiến lược giữa hàn lâm-nhà nước, giữa các nhà lãnh đạo giáo dục và lãnh đạo đại học chính trị. 

Sau thế chiến II, Mỹ có đạo luật GI Bill hỗ trợ quân nhân giải ngũ vào học đại học hàng loạt cũng như chiến lược phát triển khoa học cơ bản của Vannevar Bush, cố vấn khoa học của tổng thống Roosevelt, chứa đựng trong tài liệu "Khoa học – Biên giới vô tận". Sau đó, đề xuất này được Tổng thống Harry Truman ủng hộ và thực hiện, đưa nghiên cứu khoa học cơ bản về các đại học nghiên cứu, đúng theo mô hình đại học Humbolt. Từ đó, đại học Mỹ mới thăng hoa, trở thành ngọn hải đăng của thế giới. Một lý do khác làm cho sự phát triển này thuận lợi là cuộc di tản khổng lồ trước đó của các nhà khoa học châu Âu chạy trốn Hitler, giúp cho Mỹ tăng thêm tiềm lực khoa học rất đáng kể. Có thể nói, kể từ Hitler lên nắm quyền ở Đức năm 1933, trung tâm khoa học và giáo dục đại học đã chuyển sang Tân thế giới.

Nhìn từ những nét thú vị của lịch sử đại học trên thế giới, theo ông, sứ mạng của giáo dục đại học là gì? Ông muốn chia sẻ gì cho giới trẻ Việt Nam, nhất là những bạn trẻ đã và sẽ bước chân vào giảng đường đại học?

Chúng ta biết đại học có một sứ mạng rất lớn. Đó không phải là nơi dạy nghề, mà là một vũ trụ ngành nghề và khoa học rất lớn để con người khám phá những cái mới thay vì chỉ dạy những gì đã cũ. Cho nên, các bạn trẻ vào đại học nên cảm nhận một sứ mệnh cao hơn cả ngành nghề. Dĩ nhiên, ngành nghề nó phục vụ cho bạn, cho gia đình, cho bản thân là chính đáng. Nhưng phải hơn nữa, làm sao kết hợp với lợi ích của quốc gia. 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh: Sứ mạng của đại học không phải là dạy nghề! - Ảnh 12.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh (Tú Sơn)

Như tôi đã nói, đại học thời Trung cổ ra đời khi châu Âu đang ở thời kỳ hồi phục kinh tế, an ninh và chính trị. Lúc đó, việc giáo dục là để nâng cấp văn hóa. Đối với Đại học Humboldt của Đức, nó mang sứ mệnh là lấy sức mạnh tinh thần bù đắp cho những tổn thất vật chất của nước Phổ. Như ông Clark Kerr, nguyên Chủ tịch Đại học California (Mĩ), đã từng nói: "Sự phồn vinh và an ninh của xã hội gắn chặt với nhau, và không thể tách rời giáo dục đại học. Đại học nhất là đại học nghiên cứu, ngày càng có vai trò quyết định trong việc phát triển một quốc gia". 

Ông Ōkuma Shigenobu, người lập Đại học Waseda (Nhật Bản) đã chỉ ra rằng: "Nhiệm vụ của chúng ta, tức là của thanh niên, là làm sao nâng cao văn hóa phương Đông bằng văn hóa phương Tây. Phải có tinh thần độc lập và nghiên cứu. Phải trở thành một con người có trái tim với đất nước và cộng đồng. Nếu chỉ có đầu óc mà thiếu trái tim cũng như có ánh sáng mà thiếu đi hơi ấm, đồng nghĩa với việc thiếu ánh sáng tượng trưng cho khoa học". 

Nhà khai sáng Fukuzawa (Nhật Bản) cũng nói giàu hay nghèo là vấn đề chúng ta học và khám phá, chứ không phải là vấn đề định mệnh. Đó là những lời mà tôi nghĩ tuổi trẻ Việt Nam nên tham khảo.

 

Nguồn: thanhnien.vn