VinFuture 2022 - Ba giải đặc biệt

Tại lễ trao giải VinFuture năm 2022, ba giải đặc biệt mỗi giải trị giá 500.000 USD dành cho các nhà khoa học nghiên cứu trong các lĩnh vực mới; nhà khoa học nữ và nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.

Giáo sư Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture.

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển trị giá 500.000 USD.

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển trị giá 500.000 USD được trao cho Giáo sư Thalappil Pradeep (Khoa Hóa học, Viện Công nghệ Madras, Ấn Độ) vì đã phát triển hệ thống lọc nước chi phí thấp để loại bỏ asen khỏi nước ngầm, có ích với hàng triệu người ở phía Nam Á.

Giáo sư Thalappil Pradeep - chủ nhân Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển của VinFuture 2022 (Ảnh: NGUYỄN KHÁNH)

"Tôi thật vinh dự được nhận phần thưởng cao quý này. Tôi nhận nó với sự khiêm tốn vì có nhiều đồng nghiệp khác đã làm việc với tôi, và tất cả mọi người đã ứng dụng được công nghệ này. Đồng thời tôi biết có khoảng trống lớn ta phải vượt qua để mang lại nước sạch cho mọi người.

Tôi hi vọng sự vinh danh hôm nay sẽ giúp tôi hiện thực hóa giấc mơ đó. Xin cảm ơn nơi tôi nghiên cứu, cảm ơn gia đình, vợ tôi đã tới đây và luôn sát cánh với tôi, đặc biệt trong những lúc gần như không còn ánh sáng trong đường hầm. Cảm ơn Quỹ VinFuture, Hội đồng sơ khảo và Hội đồng giải thưởng. Xin cảm ơn đất nước quê hương tôi đã giúp tôi có mặt tại đây - đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh", Giáo sư Thalappil Pradeep bày tỏ.

 

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới trị giá 500.000 USD

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới trị giá 500.000 USD được trao cho Tiến sĩ Demis Hassabis (Phó Chủ tịch Kỹ thuật tại Google DeepMind), nhà sáng lập công ty DeepMind, cho vai trò khởi xướng AlphaFold và Tiến sĩ John Jumper, nhà nghiên cứu cao cấp của DeepMind, vì đã phát triển AlphaFold 2.

Giáo sư Leslie Gabriel Valiant thay mặt Tiến sĩ Demis Hassabis và Tiến sĩ John Jumper nhận giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới (Ảnh: NGUYỄN KHÁNH)

Đây là một hệ thống trí tuệ nhân tạo dự đoán chính xác cấu trúc 3D của protein giúp giải quyết một trong những vấn đề sinh học thách thức nhất là "bài toán cách gấp protein" có ý nghĩa quan trọng đối với cả nghiên cứu cơ bản và điều chế thuốc.

AlphaFold 2 giúp rút ngắn thời gian xử lý công việc từ vài năm xuống chỉ còn vài ngày, thậm chí là vài phút, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề quan trọng trong đời sống. Công trình cũng đã cung cấp cơ sở dữ liệu về cấu trúc của hơn 200 triệu protein làm tài nguyên nghiên cứu cho hàng nghìn nhà khoa học khác trên thế giới.

Công trình của hai ông đã tạo nên cuộc cách mạng trong mô hình hóa cấu trúc protein, thúc đẩy những phát triển đột phá trong lĩnh vực y sinh, y tế và nông nghiệp.

Thay mặt hai chủ nhân đạt giải, Giáo sư Leslie Gabriel Valiant đã lên sân khấu nhận thưởng và cho biết dù phải rời Hà Nội sớm, Tiến sĩ John Jumper cũng đã kịp gửi lời cảm ơn đến mọi người.

"Tôi vinh dự được nhận giải thưởng này trong lĩnh vực dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới. Tôi rất tiếc vì không có mặt hôm nay nhưng thấy rất phấn khích vì sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trong sinh học. Đây là nỗ lực của một nhóm và xin cảm ơn cả nhóm đã giúp nghiên cứu thành công", Tiến sĩ John Jumper nhắn gửi.

 

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ trị giá 500.000 USD

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ trị giá 500.000 USD được trao cho Giáo sư Pamela C. Ronald (ĐH California, Davis, Mỹ) vì công trình nghiên cứu đột phá trong việc phân lập gen Sub1A tạo điều kiện phát triển các giống lúa chịu ngập úng dài hạn.

Giáo sư Pamela C. Ronald nhận giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ của VinFuture 2022 (Ảnh: NGUYỄN KHÁNH)

Từ gen lúa Sub1, Giáo sư Pamela C. Ronald và các cộng sự đã tạo ra các giống lúa biến đổi gen sinh trưởng tốt trong điều kiện ngập úng lâu ngày và cho năng suất cao. Đây là nghiên cứu quan trọng, không chỉ giúp giải quyết nhu cầu lương thực cho hàng trăm triệu người mà còn mang tới giải pháp bền vững cho những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu trên thế giới.

Chia sẻ cảm xúc khi nhận giải, Giáo sư Pamela C. Ronald đã gửi lời cảm ơn các nhà khoa học đã đóng góp trong 50 năm qua khi giống lúa chống ngập lần đầu được nghiên cứu.

"Giải thưởng VinFutue đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ sinh học trong nông nghiệp để giải quyết một trong những thách thức lớn nhất là làm sao nuôi sống lượng người càng gia tăng nhưng không ảnh hưởng tới môi trường.

Với giống lúa kháng chịu biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, ta thấy nhiều người đang sống trong đói nghèo và hy vọng Giải thưởng sẽ thúc đẩy và truyền cảm hứng cho các thế hệ nhà khoa học nữ. Khoa học cần phụ nữ và phụ nữ cần khoa học", chủ nhân giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ của VinFuture 2022 chia sẻ.

(P. Đào tạo - QLKH - HTQT sưu tầm)