Rèn luyện năng lực tự học

Qua những sáng tạo được thể hiện từ thời Thomas Edison đến thời Bill Gates, giới khoa học kỹ thuật ngày càng nhận thấy giữa trí sáng tạo và việc tự học có một mối liên hệ nhân quả. Tạp chí Science et Vie (Pháp) đã viết: "Ai tự học mạnh nhất, người đó tích lũy được một tiềm năng sáng tạo dồi dào nhất. Ngược lại, ai có nhu cầu sáng tạo nhiều hơn, người ấy càng thôi thúc ý chí tự học cao hơn".

tuhoc

Tạp chí Korean Times cũng đưa ra một khái niệm về chân dung của người trí thức mới. Đó là người biết dùng thái độ tự học và kỹ năng tự học để thường xuyên tiếp cận với cái mới, để học hỏi cái mới, từ đó làm nên cái mới của chính mình, mang tính sáng tạo ngày càng cao.

Cố Giáo sư Tạ Quang Bửu (nguyên bộ trưởng Bộ Đại học và chuyên nghiệp) trong một buổi nói chuyện trước sinh viên Bách khoa Hà Nội năm 1970 đã nhấn mạnh: "Tự học là khởi nguồn của phong cách tự đào tạo, đồng thời là cái nôi nuôi dưỡng trí sáng tạo. Ai giỏi tự học khi đang ở trường, người đó sẽ tiến xa".

Theo các chuyên gia giáo dục và khoa học của Tổ chức UNESCO, kỹ năng tự học và giá trị biểu hiện của việc tự học là những thước đo của tâm lý sáng tạo và sản phẩm sáng tạo. Bước vào thế kỷ 21, kỹ năng đó sẽ tồn tại như một trong những kỹ năng sống mà con người không thể thiếu, đồng thời giá trị đó giúp cho mỗi cá nhân tự khẳng định chính mình trong xu thế nhảy vọt của thời đại thông tin.

Sẽ không có sáng tạo nếu không có tự học tích cực; sẽ không thể tự học hiệu quả nếu không mài sắc trí sáng tạo. Tự học để khám phá nhận thức và khai phá sáng tạo. Sáng tạo để khẳng định sự tìm tòi siêu thoát trong tự học

Giữa dạy và học có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Muốn sinh viên học tốt thì nhìn chung, trước hết giáo viên phải dạy tốt. Nói về dạy học của giáo viên trong trường đại học, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1969), đã nói: “Điều chủ yếu không phải là nhồi nhét một mớ kiến thức hỗn độn… mà là phương pháp suy nghĩ, phương pháp nghiên cứu, phương pháp học tập, phương pháp giải quyết vấn đề”.

Giáo viên là người hướng dẫn, tạo một môi trường học tập trong đó sinh viện hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề và thực hiện những nhiệm vụ thực tế. Giáo viên là người cùng học với sinh viện chứ không phải người cung cấp lời giải. Nhiệm vụ của giáo viên đối với sinh viên là:

• Xây dựng kiến thức (chứ không chỉ truyền đạt kiến thức)
• Làm cho sinh viên hiểu (chứ không chỉ ghi nhớ)
• Chú trọng phương pháp sư phạm (chứ không chỉ tiến hành hoạt động)
• Tạo dựng xu hướng xã hội cho sinh viên (chứ không chỉ học tập cá thể)
• Giúp sinh viên học với định hướng của bản thân (chứ không chỉ với định hướng từ giáo viên)
• Đưa ra những đánh giá và tự đánh giá mang tính định hình (chứ không chỉ tổng hợp điểm)
• Giúp sinh viên học về cách học (chứ không chỉ học về chủ điểm).

Một người học tích cực là người dành toàn tâm toàn ý cho việc học tập, càng tích cực bao nhiêu thì chất lượng học tập càng tăng bấy nhiêu. Theo mô hình mới này, người học phải là người chủ động trong quá trình học; giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, khuyến khích và hỗ trợ. Mô hình học tập tích cực bao gồm 4 yếu tố sau:

Sinh viên chịu trách nhiệm và tự quản lý việc học của mình. Họ phải xác định mục tiêu học tập rõ ràng và biết phải làm gì để thực hiện mục tiêu đó, cũng như xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng học cho riêng mình.

Sinh viện biết đưa ra chiến lược học tập hiệu quả. Họ biết cách học, cải tiến phương pháp học và áp dụng kiến thức một cách sáng tạo. Sinh viện biết hợp tác với bạn bè. Họ hiểu rằng học tập là một hoạt động xã hội, rằng mỗi người có một quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề, và việc trao đổi ý kiến, chia sẻ kiến thức sẽ làm cho việc học thêm phong phú và chất lượng.

Sinh viên luôn được khuyến khích trong suốt quá trình học. Họ biết cách xử lí thông tin, thấy được niềm vui và sự hứng khởi cũng như lợi ích của việc học tập.

Xử lí thông tin trong tự học nói cách khác là toàn bộ phương pháp tự học của người học. Việc tự học tương ứng với việc xử lí thông tin, có 3 giai đoạn:
- Nắm bắt các dữ liệu (kiến thức/ thông tin).
- Xử lí các dữ liệu (để hiểu kiến thức/ thông tin).
- Ghi nhớ và diễn đạt lại các dữ liệu.
Trong nhà trường việc hướng dẫn sinh viên tự học nhằm rèn luyện năng lực tư duy sáng tạo được thực hiện cụ thể như sau.

1) Chuẩn bị cho bài học mới
“Để nâng cao giá trị dạy học, giáo viên phải xem SGK là công cụ để tổ chức hoạt động tự học của học sinh” - GS.TS Đinh Quang Báo. SGK, giáo trình chứa đựng những kiến thức khoa học cơ bản và hệ thống nên học sinh, sing viên có thể lĩnh hội kiến thức một cách logic, ngắn gọn, súc tích, rõ ràng và khái quát nhất. Trong quá trình làm việc với SGK, giáo trình học sinh, sinh viên không những chỉ nắm vững kiến thức mà còn rèn luyện các thao tác tư duy, hình thành kĩ năng, kĩ xảo đọc sách. Do vậy mỗi giáo viên phải biết tổ chức hướng dẫn cho học sinh cách làm việc với các bài học trong SGK, giáo trình trước và sau giờ học.

* Đọc và tìm hiểu sơ bộ về nội dung bài họcTên bài, tìm hiểu thông tin ở đầu bài và đọc lướt qua xem trong bài có những tiểu mục gì để hiểu sơ bộ bài học nghiên cứu vấn đề gì?

* Đọc kĩ và tìm hiểu nội dung khoa học của bài và nội dung các hoạt động cần thực hiện qua việc:
- Xác định các thuật ngữ mới trong bài, tìm hiểu nghĩa của những thuật ngữ đó.
- Tìm hiểu ý nghĩa của các công thức, các số liệu bằng cách so sánh với những số liệu cùng loại về đối tượng mình đã biết.
- Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi nêu ra ở phần đề mục hoặc cuối đoạn văn bản, sau đó tóm tắt ý chính của phần đó.
- Nghiên cứu các hình vẽ, bảng biểu kết hợp với thông tin bằng lời và trả lời các câu hỏi kèm theo.

* Ghi tóm tắt dàn bài theo các nội dung cơ bản hoặc tìm hiểu nội dung của phần ghi nhớ cuối bài học.

* Vận dụng lý thuyết để trả lời các câu hỏi, bài tập bằng ngôn ngữ viết, nói (kể cả bằng hình vẽ sơ đồ, bảng biểu) qua đó tự kiểm tra về mức độ nắm vững tài liệu và kĩ năng vận dụng.

2) Làm việc trong giờ học
* Nghe và ghi chép bài:
Để nâng cao chất lượng của tự học, phát huy tính tích cực, chủ động trong khi làm việc trực tiếp với giảng viên trên lớp đòi hỏi mỗi sinh viên phải có những kĩ năng nghe và ghi nhất định. Có thể thấy rằng muốn ghi tốt, khi nghe giảng sinh viên cần chú ý đến những điểm sau đây: - Tập trung theo dõi bài giảng, nói chung chưa nên nghĩ đến việc sẽ làm gì vì điều đó sẽ phá vỡ logic của quá trình nghe giảng. - Tập trung nghe, hiểu vấn đề rồi diễn đạt (ghi) theo ý hiểu của mình.
- Chú ý ghi dàn bài để nhìn được khái quát cấu trúc chung của bài giảng.
- Tập trung vào những nội dung chính, những điểm quan trọng nhất mà giảng viên thường nhấn mạnh qua ngữ điệu, qua việc nhắc lại nhiều lần.
- Chú ý đến các bảng tóm tắt, các sơ đồ và các tài liệu trực quan khác mà giảng viên đã giới thiệu, vì đây là lúc người thầy hệ thống hóa, so sánh, phân tích... để đi đến kết luận và rút ra cái mới.
- Khi gặp chỗ khó, không hiểu hãy tạm thời gác lại và sẽ cố gắng tìm hiểu những điều đó sau để quá trình nghe giảng không bị gián đoạn.
- Khi bài giảng dừng lại, có thể nêu câu hỏi để đào sâu kiến thức, liên hệ thực tiễn và làm rõ những chỗ chưa hiểu.

* Tham gia thảo luận nhóm
Để rèn luyện cho sinh viên tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình học tập, một hướng đổi mới trong quá trình dạy - tự học là rèn luyện được kỹ năng thảo luận nhóm cho sinh viên. Muốn vậy giáo viên cần phải thực hiện các bước sau: Bước 1: Giáo viên giới thiệu cho sinh viện cách thức tiến hành thảo luận, các kỹ năng thảo luận, yêu cầu của các kỹ năng và cách thức thực hiện kỹ năng đó.
Cách thức tiến hành thảo luận cần giới thiệu cho sinh viên là:
- Tổ chức nhóm và tiếp cận nhiệm vụ học tập.
- Các nhóm tiến hành hoạt động
+ Tự nghiên cứu cá nhân
+ Thảo luận nhóm
+ Đánh giá, rút kinh nghiệm
Các kỹ năng thảo luận nhóm, yêu cầu của từng kỹ năng và cách thức thực hiện kỹ năng cần giới thiệu cho sinh viện là:
- Kỹ năng bám sát yêu cầu: hiểu đúng câu hỏi;
- Kỹ năng trình bày ý kiến: biết biểu đạt rõ ràng, ngắn gọn để người nghe hiểu đúng ý kiến của mình; 
- Kỹ năng tranh luận: biết lắng nghe, biết nhận xét, biết bổ xung ý kiến của bạn, biết bảo vệ ý kiến của mình bằng lý lẽ có căn cứ;
- Kỹ năng đề xuất kết luận: biết tóm tắt ý kiến thảo luận của cả nhóm để đi đến kết luận cần thiết.
Việc giới thiệu quy trình tiến hành thảo luận nhóm và giới thiệu kỹ năng thảo luận nhóm, yêu cầu và cách thực hiện các kỹ năng, được thực hiện thông qua phiếu học tập phát cho mỗi sinh viện .
Bước 2: Lấy ví dụ làm mẫu.
Giáo viên trực tiếp tổ chức cho một nhóm sinh viện thảo luận, các thành viên khác trong lớp quan sát. 
Bước 3: Tổ chức luyện tập.
Việc tổ chức luyện tập được tiến hành qua hai giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Giáo viên trực tiếp tổ chức cho sinh viện thảo luận nhằm mục đích làm cho sinh viện nắm đư ợc cách thảo luận.
- Giai đoạn 2: Khi sinh viện đó nắm được quy trình thảo luận nhóm và cách thức thực hiện các kỹ năng thảo luận nhóm, việc luyện tập kỹ năng thảo luận nhóm, chủ yếu do sinh viện tự tiến hành với sự tổ chức quản lý, điều khiển và kiểm tra của giáo viên.
Yêu cầu khi tổ chức cho học sinh tự lực trong thảo luận nhóm:
- Để sinh viện có thể tham gia vào quá trình thảo luận nhóm, trong các giai đoạn cũng như các bước thực hiện, cần dành ra một khoảng thời gian nhất định cho hoạt động học tập của cá nhân cũng như hoạt động của cả nhóm. Nếu như chỉ chú ý đến hoạt động của cá nhân hoặc chỉ chú ý đến hoạt động của cả nhóm thì hoạt động thảo luận nhóm sẽ không hiệu quả.
- Tình huống học tập phải được thiết kế một cách ngắn gọn thành một câu hỏi có tính chủ đề đòi hỏi sinh viện phải tự tìm hiểu tự nghiên cứu.
- Phương tiện dùng cho thảo luận nhóm nên dùng phiếu học tập và phương tiện khác như dạy bằng giáo án điện tử sẽ giúp các em tự lực tốt hơn trong quá trình thảo luận nhóm.
- Giáo viên cần trợ giúp sinh viện trong quá trình thảo luận nhóm để kiểm tra, giúp đỡ kịp thời cũng như nhắc nhở để tránh hiện tượng nhiều em sẽ không tích cực tham gia mà ỉ lại vào bạn hoặc hợp tác hình thức, giáo viên cần khuyến khích các nhóm chia sẻ thông tin và rèn luyện kĩ năng diễn đạt ý kiến cho sinh viện .

3) Nghiên cứu bài học sau giờ lên lớp
* Nghiên cứu lí thuyết
- Sinh viện tự nghiên cứu lại kiến thức lý thuyết đã học. Sinh viên cần đặt câu hỏi:
+ Xuất phát từ đâu?
+ Đi bằng con đường nào?
+ Đi đến kiến thức gi?
+ Còn còn đường nào không?
- Tìm kiếm các tài liệu liên quan để đào sâu mở rộng nội dung kiến thức đã học
* Hoàn thành các bài tập, tiểu luận
Để thực hiện quá trình hoàn thành các câu hỏi, bài tập sau giờ học, giáo viên cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Giới thiệu cho học sinh biết cấu trúc và trình tự thực hiện các thao tác của kĩ năng trả lời câu hỏi.  Bao gồm:
+ Đọc kĩ câu hỏi, phân tích và xác định rõ những yêu cầu của câu hỏi, 
+ Xác định nội dung bài học có liên quan tới câu hỏi hay có sẵn câu trả lời cho câu hỏi không? Nếu không thì có thể phân tích, tổng hợp những kiến thức nào trong bài? Vận dụng kiến thức đó để trả lời câu hỏi như thế nào?
+ Nêu câu trả lời cho câu hỏi
Bước 2: Lấy ví vụ minh họa để học sinh biết cách thực hiện các thao tác trên.
* Ôn tập, hệ thống hóa kiến thức
Sử dụng câu hỏi nhằm mục đích hướng dẫn tự học ôn tập, củng cố, hoàn thiện và nâng cao kiến thức của cả chương. Các câu hỏi này thường là hệ thống hóa kiến thức theo một chủ đề. Như vậy yêu cầu sinh viện phải tư duy logic cao nhất để phân tích, hệ thống hóa các kiến thức đã được học trên lớp và trong giáo trình theo một hệ thống phù hợp với yêu cầu của việc dạy học. Yêu cầu của lời giải đáp không chỉ dừng lại ở mức hiểu bản chất mối liên hệ giữa các phần kiến thức mà còn là các kĩ năng, kĩ xảo, vận dụng bản chất của kiến thức đã học và mối quan hệ đó vào giải quyết các tình huống khác nhau.


PGS.TS Tô Văn Bình


Tài liệu tham khảo
- Tâm lí học sáng tạo, Đức Uy, NXB GD 1999
- Dạy và học cách tư duy, Lê Hải Yến, NXB ĐHSP, 2008
- Để tự học đạt được hiệu quả, Vũ Quốc Chung, Lê Hải Yến, NXB ĐHSP, 2003
- Đổi mới phương pháp dạy học, chương trình và SGK. Trần Bá Hoành, NXB ĐHSP Hà Nội, 2007
- Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường. Phan Trọng Ngọ, NXB ĐHSP Hà Nội 2005
- Lý luận dạy và học vật lý ở trường THPT. Phạm Hữu Tòng NXB GD 2001
- Phương pháp dạy học vật lý ở trường phổ thông Nguyễn Đức Thâm (chủ biên NXB ĐHSP Hà Nội 2002 
- Hướng dẫn thí nghiệm thực hành vật lý khoa vật lý trường ĐHSP Đại học Thái Nguyên.
- SGK Vật lý THPT lớp 10, 11, 12 cơ bản và nâng cao. NXB GD năm 2008
- Bản đồ Tư duy trong công việc, Tony Buzan, NXB Lao động - Xã hội 2008
- Entwicklung der geistige Fahigkhait der Schuler duch Schulerexperiment, Tô Văn Bình. Luận án tiến sĩ, 1985
- Untersuchungen zum schopfrerischen Denken bei schulern, Lehrlingen und Studenten, Gerlinde Meblbron. Volk und Wissen Volkseigenr Verlag Berlin. 1979