Quy định về quy trình đăng ký, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm trong Trường Đại học Việt Bắc

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này Quy định việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (NCKH) dưới các hình thức đề tài NCKH, sáng kiến - kinh nghiệm (SKKN) cấp Trường trong Trường Đại học Việt Bắc.
Việc thực hiện các đề tài NCKH cấp Bộ và tương đương; đề tài cấp Tỉnh không thuộc phạm vi áp dụng của Quy định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với tất cả các cán bộ, giảng viên và sinh viên trong Trường Đại học Việt Bắc.

Chương II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN, NGHIỆM THU, ĐÁNH GIÁ ĐỀ TÀI
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA CÁN BỘ, GIẢNG VIÊN

Điều 3. Các yêu cầu đối với một đề tài nghiên cứu khoa học

- Có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, đáp ứng giải quyết các nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài, phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo của Trường.
- Thời gian thực hiện đề tài NCKH cấp Trường tối đa là 12 tháng, trường hợp đặc biệt có thể kéo dài thêm 3 tháng được Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo chấp thuận.

Điều 4. Yêu cầu đối với chủ nhiệm đề tài (CNĐT) và thành viên tham gia

- Mỗi đề tài cấp Trường do một hay nhiều cán bộ làm chủ nhiệm (mỗi cán bộ trong năm chỉ tham gia hoặc cùng tham gia làm chủ nhiệm tối đa không quá 02 đề tài cấp Trường).
- Mỗi đề tài có thể có nhiều người tham gia tuỳ theo mức độ, quy mô của đề tài.

Điều 5. Trách nhiệm của chủ nhiệm đề tài

- Đăng ký và thuyết minh đề cương chi tiết đề tài NCKH.
- Khi đề tài được tuyển chọn phải ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ với nhà trường.
- Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu theo đúng nội dung và tiến độ nghiên cứu được giao.
- Báo cáo định kỳ và báo cáo tổng kết toàn diện khi đề tài kết thúc.
- Đề nghị gia hạn đề tài (nếu cần thiết). 
- Sau 15 ngày kể từ ngày tổ chức đánh giá nghiệm thu đề tài tại Hội đồng nghiệm thu cấp Trường, Chủ nhiệm đề tài phải nộp về Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên các tài liệu sau:
+ Hồ sơ quyết toán kinh phí thực hiện đề tài.
+ Toàn bộ nội dung đề tài (bản đã chỉnh sửa hoàn chỉnh theo ý kiến của Hội đồng nghiệm thu cấp Trường) phải in thành văn bản và ghi vào đĩa CD nộp cho Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên để quản lý và triển khai ứng dụng.
- Chủ nhiệm đề tài chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về tính chân thực khoa học, bản quyền theo luật Sở hữu trí tuệ.

Điều 6. Quy trình tổ chức thực hiện, nghiệm thu, đánh giá đề tài NCKH cấp Trường; cấp Khoa và tương đương

1. Đăng ký‎‎
- Cá nhân đăng ký đợt 1 vào tháng 9 và đợt 2 vào tháng 02 hàng năm theo mẫu Phiếu Đăng ký đề tài có chữ ký xác nhận của lãnh đạo các đơn vị, gửi về Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên trước ngày 25.
- Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên tổng hợp danh sách các đề tài đăng ký và trình Hội đồng khoa học và Đào tạo nhà trường xét chọn đề tài cho ý kiến phê duyệt (vào ngày cuối của các tháng 02 và tháng 9).
- Sau khi Hội đồng đã xét chọn đề tài, Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên thông báo đến chủ nhiệm đề tài (CNĐT) để chuẩn bị Bản thuyết minh đề cương chi tiết đối với các đề tài được duyệt. Thời gian nộp Bản Thuyết minh đề cương chi tiết đề tài chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày ra thông báo.
2. Thẩm định đề cương chi tiết
- Chủ nhiệm đề tài nộp Bản thuyết minh đề cương chi tiết (ĐCCT) cho Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên theo mẫu quy định.
- Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh báo cáo lãnh đạo Hội đồng khoa học và Đào tạo để chuẩn bị thủ tục thành lập Hội đồng Thẩm định đề cương nghiên cứu trình Hiệu trưởng xem xét ra quyết định. Thời điểm họp thẩm định đề cương chậm nhất là sau 05 ngày kể từ ngày Hiệu trưởng ký quyết định thành lập Hội đồng xét duyệt đề cương chi tiết. 
* Lưu ý: đối với các đề tài có sử dụng phương pháp phỏng vấn, điều tra, dự giờ,... làm phương pháp nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài phải thiết kế sẵn bảng hỏi, phiếu điều tra, phiếu dự giờ,...để nộp kèm theo Bản thuyết minh đề cương chi tiết. 
3. Giao nhiệm vụ thực hiện đề tài
- Sau buổi họp Hội đồng thẩm định ĐCCT, Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên thông báo đến các CNĐT kết luận của Hội đồng thẩm định ĐCCT (có kèm theo Biên bản họp cho từng CNĐT được yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung).
- CNĐT chỉnh sửa, bổ sung ĐCCT của đề tài theo ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định ĐCCT và nộp lại cho Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày ra Thông báo. Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên có trách nhiệm gửi ĐCCT (đã được điều chỉnh) của đề tài cho các thành viên của Hội đồng thẩm định (HĐTĐ). Tùy theo mức độ hoàn chỉnh và tính chất của ĐCCT mà Chủ tịch HĐTĐ có thể triệu tập hội đồng hoặc thay mặt hội đồng quyết định thông qua ĐCCT. Thời gian kết luận của Chủ tịch HĐTĐ đề cương không quá 10 ngày kể từ ngày nhận lại ĐCCT đã được điều chỉnh từ Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên.
- Sau khi Chủ tịch HĐTĐ ký phê duyệt ĐCCT đề tài, Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên sẽ tiến hành thủ tục ký hợp đồng và trình Hiệu trưởng ký Quyết định giao nhiệm vụ NCKH cho CNĐT. Hợp đồng được làm thành 04 bản: CNĐT giữ 01 bản, Phòng Kế hoạch – Tài chính giữ 01 bản, Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên giữ 01 bản; Phòng Tổng hợp lưu bản chính.
4. Báo cáo tiến độ và tạm ứng kinh phí thực hiện đề tài
- Sau khi ký hợp đồng và nhận Quyết định giao nhiệm vụ NCKH, CNĐT phải thực hiện việc báo cáo tiến độ thực hiện đề tài cho Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên theo định kỳ 03 tháng 1 lần theo mẫu quy định
- CNĐT được tạm ứng kinh phí thực hiện đề tài thành nhiều đợt nhưng tổng kinh phí tạm ứng không được vượt quá 2/3 tổng kinh phí được duyệt cho đề tài.
- Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện đề tài và xác nhận vào Giấy đề nghị tạm ứng kinh phí thực hiện đề tài (Phần phụ trách bộ phận).
5. Đánh giá và nghiệm thu đề tài 
- Khi hoàn thành đề tài nghiên cứu, CNĐT có trách nhiệm nộp cho lãnh đạo các đơn vị 01 bản báo cáo kết quả thực hiện đề tài, báo cáo tóm tắt và các sản phẩm, tài liệu liên quan. Lãnh đạo các đơn vị căn cứ vào nội dung, các yêu cầu khoa học của đề tài để quyết định hình thức tổ chức đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở đối với đề tài. Kinh phí đánh giá, tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở (nếu có) thực hiện theo hợp đồng nghiên cứu khoa học.
- Sau khi nghiệm thu cấp cơ sở, CNĐT nộp 05 bản báo cáo tổng kết, báo cáo tóm tắt, biên bản nghiệm thu cấp cơ sở và các sản phẩm tài liệu liên quan về Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên.
- Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên xin ý kiến của lãnh đạo Hội đồng Khoa học và Đào tạo tiến hành thủ tục thành lập Hội đồng nghiệm thu đề tài. Tùy theo mức độ và tính chất của mỗi đề tài, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Trường có 05 hoặc 07 thành viên, trong đó có 2/3 số thành viên là các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên có chuyên môn trong lĩnh vực của đề tài. Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch, Thư ký, 02 Ủy viên phản biện và các ủy viên khác.
- Hội đồng nghiệm thu đề tài tiến hành họp trong thời gian chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày ra Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu. Thời gian buổi họp Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng quyết định, nhưng không được quá 02 buổi làm việc đối với 01 đề tài.
- Sau buổi họp nghiệm thu, CNĐT có trách nhiệm hoàn chỉnh đề tài theo ý kiến đóng góp của Hội đồng Nghiệm thu và nộp về Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên theo quy định tại Điều 5 của Quy định này. Thời gian nộp không quá 20 ngày kể từ ngày họp Hội đồng nghiệm thu đề tài.
- Thư ký Hội đồng nghiệm thu đề tài có trách nhiệm chuyển hồ sơ nghiệm thu đề tài về Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên để lập hồ sơ trình Hiệu trưởng ký quyết định nghiệm thu đề tài và thanh lý hợp đồng nghiên cứu khoa học. Hồ sơ gồm: Biên bản họp Hội đồng nghiệm thu; Phiếu nhận xét đề tài của các thành viên; Phiếu đánh giá, xếp loại đề tài (phiếu kín).
- Sau thời gian 10 ngày kể từ ngày họp Hội đồng nghiệm thu, CNĐT có trách nhiệm hoàn chỉnh đề tài theo ý kiến đóng góp của Hội đồng và chuyển toàn bộ các sản phẩm có liên quan về Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên và tiến hành thanh quyết toán kinh phí đề tài với Phòng Kế hoạch – Tài chính.
- Đối với những đề tài do cá nhân hợp đồng nghiên cứu với bên ngoài dưới danh nghĩa của nhà trường, không mời Phòng Kế hoạch – Tài chính quản lý kinh phí, sau khi quyết toán, cá nhân nộp 5% chi phí thực hiện đề tài về Phòng Ké hoạch – Tài chính để thực hiện chi cho hoạt động khoa học công nghệ của Trường.
- Kết quả đề tài sẽ được lưu trữ tại Thư viện, Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên. CNTĐ được giữ quyền tác giả, Trường Đại học Việt Bắc giữ quyền sở hữu đề tài theo quy định hiện hành.
6. Cách thức đánh giá
- Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài điều hành phiên họp đánh giá nghiệm thu và bỏ phiếu đánh giá kết quả cuối cùng.
- Nội dung phiếu đánh giá nêu rõ:
+ Cần thiết hay không cần họp lại Hội đồng để xét đánh giá;
+ Phân loại: Xuất sắc, khá, đạt yêu cầu và không đạt yêu cầu.
- Phương pháp phân loại:
+ Loại xuất sắc: có 2/3 số phiếu xuất sắc, không có phiếu dưới mức khá.
+ Loại khá: có 2/3 số phiếu khá trở lên, không có phiếu không đạt yêu cầu.
+ Loại đạt yêu cầu: có 2/3 số phiếu đạt yêu cầu.
+ Loại không đạt yêu cầu: có 2/3 số phiếu không đạt yêu cầu.
* Trong trường hợp phải họp lại để tái thẩm định kết quả thực hiện đề tài, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu quyết định thời gian họp lại, nhưng không quá 30 ngày kể từ lần họp thứ nhất.
7. Chương trình tổ chức đánh giá, nghiệm thu đề tài 
- Thư ký Hội đồng Nghiệm thu công bố quyết định thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Trường, thông qua nội dung chính của Bản thuyết minh đề tài.
- Chủ tịch Hội đồng thông qua chương trình làm việc của Hội đồng.
- Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả thực hiện đề tài.
- Các thành viên phản biện nhận xét (có văn bản chuẩn bị trước, nộp cho Thư ký Hồi đồng nghiệm thu đề tài). Phản biện vắng mặt vì lý do chính đáng, được chủ tịch Hội đồng chấp thuận, phải gửi bản nhận xét lại cho Thư ký Hội đồng nghiệm thu để thông qua Hội đồng trong buổi họp nghiệm thu đề tài.
- Các thành viên Hội đồng, các đại biểu và những người quan tâm chất vấn và trao đổi; chủ nhiệm đề tài có thể trả lời khi được sự đồng ý của chủ tịch Hội đồng.
- Hội đồng làm việc riêng để đánh giá, cho điểm đề tài.
- Chủ tịch Hội đồng công bố kết quả đánh giá, nghiệm thu đề tài.
8. Các thủ tục thanh toán kinh phí thực hiện đề tài:
Hồ sơ gồm:
+ Quyết định giao thực hiện nhiệm vụ NCKH;
+ Hợp đồng triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN;
+ Biên bản thanh lý hợp đồng;
+ Quyết định thành lập hội đồng nghiệm thu;
+ Biên Bản họp hội đồng nghiệm thu hoặc Biên bản kiểm tra tiến độ thực hiện nếu đề tài chưa hoàn thành;
+ Dự toán kinh phí của đề tài.
- Hồ sơ thanh, quyết toán đối với các khoản chi trả tiền công, thù lao cho chủ nhiệm đề tài và những người tham gia, chi hội thảo khoa học, chi cho Hội đồng nghiệm thu (là bảng kê danh sách, số tiền chi cho từng người, có chữ ký của người nhận tiền, được chủ nhiệm đề tài ký xác nhận); hóa đơn in ấn tài liệu ...
- Hồ sơ thanh, quyết toán đối với các khoản chi trả tiền công, thù lao về chi phản biện, nhận xét, đánh giá của chuyên gia (là văn bản ý kiến phản biện, nhận xét, đánh giá và giấy biên nhận có chữ ký của người nhận, được chủ nhiệm đề tài ký xác nhận). Hóa đơn mua tài liệu, máy móc, dụng cụ, thiết bị... được thực hiện theo Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường Đại học Việt Bắc.
- Máy móc, công cụ thiết bị nghiên cứu mua từ nguồn kinh phí của nhà trường thì trước khi quyết toán, CNĐT có trách nhiệm bàn giao về Phòng Tổng hợp để quản lý, khai thác phục vụ cho việc nghiên cứu giảng dạy của Trường.
- Tài liệu phục vụ nghiên cứu nếu được mua từ nguồn kinh phí của nhà trường thì sau khi nghiên cứu xong, CNĐT có trách nhiệm bàn giao về thư viện Trường để bảo quản, khai thác cho việc nghiên cứu giảng dạy của Trường.

Chương III. QUY ĐỊNH TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI NCKH CỦA SINH VIÊN

Điều 7. Yêu cầu về đề tài nghiên cứu

- Đề tài mang tính cấp thiết, có giá trị thực tiễn của ngành hiện tại.
- Độc đáo về thể loại, nội dung nghiên cứu.
- Có tính khả thi, thể hiện tính khoa học trong các giải pháp.
- Phục vụ công tác học tập, đào tạo trong Nhà trường.
Điều 8. Quy trình chung thực hiện một đề tài NCKH sinh viên
- Vào tháng 09 hàng năm, lãnh đạo các đơn vị có đào tạo sinh viên thông báo danh sách các đề tài NCKH cho sinh viên đăng ký. Sinh viên đăng ký đề tài theo mẫu quy định.
- Các Khoa, Bộ môn và Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên chịu trách nhiệm nhận và tập hợp phiếu đăng ký đề tài của sinh viên và tổ chức xét chọn đề tài, giao giảng viên hướng dẫn và lập danh sách đề tài được chọn. Các đề tài được xét chọn chuẩn bị Bản thuyết minh đề cương chi tiết theo mẫu quy định.
- Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên xin ý kiến lãnh đạo Hội đồng Khoa học và Đào tạo để tiến hành thủ tục thành lập Hội đồng xét duyệt đề cương và trình Hiệu trưởng ký quyết định giao nhiệm vụ NCKH cho sinh viên và phân công giảng viên hướng dẫn với những đề tài được xét chọn.
- Lãnh đạo các đơn vị có trách nhiệm quan tâm, theo dõi, đôn đốc việc triển khai đề tài và tiến hành nghiệm thu đề tài của sinh viên. Sau khi nghiệm thu, lãnh đạo các đơn vị gửi biên bản nghiệm thu và 03 bản báo cáo tổng kết về Hội đồng Khoa học và Đào tạo.
- Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên xin ý kiến của lãnh đạo Hội đồng Khoa học và Đào tạo tiến hành thủ tục trình Hiệu trưởng ký quyết định công nhận kết quả của đề tài và thông báo thành tích NCKH của sinh viên đến lãnh đạo các đơn vị để áp dụng các chế độ khen thưởng theo quy định hiện hành.
- Lãnh đạo các đơn vị đề nghị Phòng Kế hoạch – Tài chính duyệt thanh toán kinh phí cho CNĐT. Phòng Kế hoạch – Tài chính có trách nhiệm thanh toán kinh phí không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được "Bản đề nghị thanh toán".
- Kết quả đề tài sẽ được lưu trữ tại Thư viện, Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên và được chọn đăng trên Websit của Trường.

Chương IV. QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XÉT, CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

Điều 9. Nguyên tắc xét, công nhận sáng kiến - kinh nghiệm

Xét, công nhận sáng kiến thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, công khai khách quan, khoa học theo tinh thần đoàn kết.

Điều 10. Điều kiện, tiêu chuẩn

1. Sáng kiến - kinh nghiệm phải là những việc làm có nội dung rõ ràng, có tính sáng tạo, do cá nhân chủ trì thực hiện theo sự phân công giao nhiệm vụ của thủ trưởng hoặc độc lập đề xuất.
2. Sáng kiến - kinh nghiệm phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý, đổi mới phương pháp làm việc giảng dạy, học tập đã được áp dụng có hiệu quả trong năm hoặc có tính khả thi để áp dụng trong công tác của đơn vị, trong tổ chức, đơn vị trực thuộc.
3. Sáng kiến - kinh nghiệm phải đưa ra việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ, phương pháp đổi mới trong công tác dạy học và quản lý, làm việc mang lại hiệu quả thiết thực trong cơ quan, đơn vị.
4. Sáng kiến - kinh nghiệm nhằm khắc phục những tồn tại trong thực tiễn quản lý nhằm đổi mới phương pháp lãnh đạo, quản lý, điều hành, thực hành tiết kiệm chống lãng phí được thủ trưởng đơn vị chấp thuận và ban hành văn bản chỉ đạo.
5. Sáng kiến - kinh nghiệm nhằm cải tiến quy trình, thủ tục thực hiện công việc một cách khoa học, cải tiến lề lối làm việc, cải tiến thủ tục hành chính... đã được cho phép thực hiện mang lại năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, tạo thuận lợi, tiết kiệm về kinh phí, thời gian.
6. Việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ phương pháp mang lại hiệu quả cao như: áp dụng công nghệ thông tin, phương pháp quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO... được tập thể thống nhất đề xuất, lãnh đạo cơ quan phụ trách công nhận đã thực hiện thường xuyên, thông suốt, bảo đảm tốt mục tiêu, yêu cầu của đề án đề ra...

Điều 11. Phân loại sáng kiến

Tùy theo mức độ, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến mà có thể phân ra 3 loại:
1. Sáng kiến - kinh nghiệm loại A: nội dung sáng kiến được ứng dụng trong toàn Trường.
2. Sáng kiến - kinh nghiệm loại B: nội dung sáng kiến được ứng dụng cho một số đơn vị cơ sở trong Trường.
3. Sáng kiến - kinh nghiệm loại C: nội dung sáng kiến - kinh nghiệm chỉ ứng dụng trong phạm vi hẹp ở một đơn vị cơ sở trong Trường.

Điều 12. Quy trình xét công nhận sáng kiến - kinh nghiệm

Bước1. Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo chung trong quá trình xét và công nhận các sáng kiến - kinh nghiệm đạt tiêu chuẩn. Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên có trách nhiệm tổng hợp nội dung, đề xuất các sáng kiến - kinh nghiệm có chất lượng để đưa ra xem xét, công nhận.
Bước 2. Sáng kiến - kinh nghiệm được công nhận là sáng kiến - kinh nghiệm phải có ít nhất 60% trở lên thành viên Hội đồng có mặt đồng ý và được Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo Trường ban hành quyết định công nhận (theo hình thức bỏ phiếu kín).
Bước 3. Những sáng kiến - kinh nghiệm thực hiện trong năm đạt hiệu quả thì được tính trong năm đó, nếu năm sau cũng sáng kiến - kinh nghiệm đó tiếp tục được đổi mới áp dụng vào thực tiễn đưa lại hiệu quả cao hơn nhiều so với năm trước thì tiếp tục được xem xét.
Bước 4. Những sáng kiến - kinh nghiệm, đề tài viết ra trên lý thuyết chưa áp dụng vào thực tiễn thì chưa thuộc diện xem xét; các tiểu luận, luận văn tốt nghiệp các lớp học thì không thuộc diện xem xét.
Bước 5. Quyết định công nhận sáng kiến - kinh nghiệm là điều kiện đề nghị xét công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Điều 13. Thời gian đăng ký sáng kiến - kinh nghiệm

Tập thể và cá nhân có sáng kiến phải gửi bản đăng ký sáng kiến - kinh nghiệm của mình về Hội đồng Khoa học và Đào tạo qua Phòng Đào tạo - Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế - Học sinh sinh viên trước ngày 25 tháng 9 hàng năm.

Chương VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1. Quy định này được áp dụng từ năm học 2013 - 2014. 
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, Hiệu trưởng sẽ quyết định bổ sung hoặc sửa đổi các nội dung trong bản Quy định này cho phù hợp./.