ChatGPT - Các công cụ mạnh như ChatGPT buộc người dùng phải “nâng cấp” bản thân

Người trẻ liệu có lười đi khi có ChatGPT?

Là doanh nghiệp công nghệ với quy mô hơn 150 nhân sự, Công ty NCS đang thử nghiệm việc mua bản có phí ChatGPT để đội ngũ kỹ thuật sử dụng. Nhận định ChatGPT khá mạnh về code (lập trình), đơn vị này cũng khuyến nghị nhóm thử nghiệm phải có trình độ nhất định để phân biệt rõ đúng – sai khi sử dụng công cụ này hỗ trợ công việc.

Mạnh dạn hơn, từ tháng 1, Tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX đã trang bị phiên bản cao cấp nhất của ChatGPT cho toàn bộ học viên trải nghiệm và học tập. Đến nay, ChatGPT hỗ trợ trả lời hàng nghìn câu hỏi của học viên trên hệ thống hỏi đáp nội bộ. Nhiều câu hỏi chuyên môn về lập trình, kỹ thuật code, kiến thức công nghệ được học viên khai thác qua chatbot. Ứng dụng cũng đưa ra những câu trả lời hữu ích khi học viên quan tâm tới định hướng nghề nghiệp CNTT, cách tự học hiệu quả…

 FUNiX trang bị công cụ tự động hỗ trợ trò chuyện online ChatGPT để toàn bộ 5.000 học viên có thể trải nghiệm.

Những ngày qua, nhiều người đang làm việc và học tập trong lĩnh vực công nghệ rất hào hứng trải nghiệm giao tiếp với ChatGPT và không ít người bày tỏ sự bất ngờ vì có cảm giác như đang trò chuyện với con người. Điều này phần nào cho thấy tiềm năng ứng dụng ChatGPT cũng như các ứng dụng AI liên quan là vô cùng lớn.

Trao đổi với VietNamNet về tác động của ChatGPT đến mọi người, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật của Công ty NCS chia sẻ, ChatGPT sẽ làm quay trở lại một mối lo ngại vốn đã được đặt ra vào kỷ nguyên bùng nổ của Google, đó là sự lười đi của con người, đặc biệt là các bạn trẻ bởi những kiến thức thay vì phải tìm hiểu thì chỉ cần hỏi là có.

Tuy nhiên, khác với Google, người hỏi ChatGPT cần có phông kiến thức và sự sàng lọc nhất định mới ra được câu trả lời tốt nhất, phù hợp nhất. Công cụ sẽ phần lớn loại hết các kết quả và chỉ giữ lại 1 hoặc vài kiến thức nhất định. Bộ lọc này hay nhưng cũng có thể là điểm yếu bởi nó khiến cho người đọc lười tìm hiểu và không đưa kiến thức của mình vào nhiều. Về lâu về dài, khả năng tự nghiên cứu, sáng tạo sẽ bị ảnh hưởng.

Với các lập trình viên, việc hỗ trợ sinh code tự động của ChatGPT có thể khiến họ mất đi khả năng làm chủ với những dòng code trong sản phẩm. Còn với sinh viên công nghệ, hiện tượng "chép bài" sẽ ngày càng phổ biến hơn, thay vì chép bài bạn thì chép của ChatGPT, đôi khi chép cả những thứ sai, chưa tối ưu mà không biết.

“Theo tôi chỉ những lập trình viên có chuyên môn cao mới nên sử dụng ChatGPT vì sẽ biết dùng đoạn nào và bỏ đoạn nào với kết quả công cụ này cung cấp”, ông Vũ Ngọc Sơn nêu quan điểm.

Ở góc độ của một chuyên gia công nghệ đang công tác tại Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech, ông Đào Mạnh Thắng đánh giá ChatGPT là một công cụ hữu ích với người dùng, bất kể là trẻ hay già. Song như mọi công cụ khác, nó cũng có những ưu điểm và nhược điểm.

Theo phân tích của chuyên gia Đào Mạnh Thắng, khi một công cụ mạnh ra đời, thường có tâm lý lo ngại và coi nó là mối nguy với con người. Tuy nhiên, thay vào đó, bản thân người sở hữu và sử dụng công cụ mạnh như ChatGPT cần "nâng cấp" bản thân cho phù hợp với sự thay đổi và làm chủ được công cụ.

Khi việc tiếp cận kiến thức trở nên dễ dàng hơn, các bạn trẻ có thể tận dụng để tìm hiểu được nhiều thông tin hơn và rộng hơn, biết cách phân loại thông tin và cải thiện bản thân cũng như xã hội. Điều này tương tự như việc rất nhiều các startup trẻ và cả doanh nghiệp lớn đang phát triển ứng dụng trên ChatGPT nhằm phục vụ công việc hàng ngày.

“Khi công cụ giúp cung cấp kiến thức, việc của chúng ta là tập trung vào khai thác và vận dụng, ứng dụng kiến thức đó vào thực tiễn để xây dựng các ứng dụng mang tính thực tế cao, có hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích cho bản thân và xã hội. Như vậy, thay vì đánh giá kiến thức các bạn trẻ học được thì cần thay đổi tư duy và nhìn vào những gì họ sẽ làm được”, ông Đào Mạnh Thắng nói.

Với người dùng ChatGPT, ông Thắng khuyến nghị cần thay đổi tư duy, sử dụng công cụ để hỗ trợ tạo nên các ứng dụng thực tiễn tốt hơn; không lạm dụng vào nhu cầu cá nhân vô ích như để trốn học, trốn làm bài tập... Cùng với đó, cần làm chủ, cá nhân hóa công cụ phù hợp với bản chất công việc của mình.

Chuẩn bị gì để không bị AI lấy mất việc

Mối lo ngại những ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT có thể khiến nhiều người mất việc cũng là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Chia sẻ quan điểm cá nhân, chuyên gia Đào Mạnh Thắng cho rằng, việc này sẽ xảy ra và dịch chuyển các công việc là thiết yếu. Với công cụ AI nói chung và ChatGPT nói riêng, đang dần hình thành 1 cuộc cách mạng công nghiệp mới, nơi máy móc xâm lấn sang các công việc mang tính ghi nhớ, tư duy, suy luận, phân tích mà trước đây chỉ có con người làm được, giống như trước đây máy móc đã thay thế công việc tay chân của con người.

“Vì thế, mọi người trong xã hội phải có những thay đổi để phù hợp, nếu không sẽ rất nhanh chóng bị đào thải”, chuyên gia Đào Mạnh Thắng khuyến nghị.

Theo ông Thắng, do đặc tính tự học và suy luận không ngừng của các công cụ AI như ChatGPT, không chỉ lập trình viên mà các ngành nghiên cứu, lưu trữ xử lý thông tin cũng có thể bị ảnh hưởng. (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình cho hay: Điều chắc chắn là ChatGPT, hay các ứng dụng AI khác, có thể thay thế con người trong nhiều loại hình công việc, hoặc một số công đoạn trong một chu trình công việc. Những lĩnh vực cần đến thu thập - phân tích dữ liệu/thông tin cùng nhiều nghề nghiệp, kể cả các nghề có tính truyền thống như nhà báo, giáo viên, phiên dịch, lễ tân, phân tích dữ liệu... được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng.

“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng công nghệ sinh ra để phục vụ con người, nên cuối cùng thì đích của ứng dụng công nghệ là con người. Và công nghệ, dù có tinh vi hiện đại đến mấy, cũng không thể thay thế được hoàn toàn vai trò của con người. Dĩ nhiên, chúng ta cũng cần quan tâm ở góc độ ngành cũng như cá nhân để hình dung và chuẩn bị trước cho sự thích ứng phù hợp”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

 

Nguồn: CÔNG NGHỆ.