Theo Quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, Thái Nguyên phấn đấu đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, trong tầm nhìn đến năm 2050.
Sáng 15/4, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự Hội nghị công bố Quy hoạch của tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trao Quyết định số 222 của Thủ tướng về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho tỉnh Thái Nguyên.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định số 222 của Thủ tướng về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên
thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: Báo Thái Nguyên).
Theo phê duyệt, Thái Nguyên là địa phương có tổng diện tích tự nhiên 352.196ha, với 9 đơn vị hành chính gồm: 3 thành phố (Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên) và 6 huyện (Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đông Hỷ, Đại Từ, Phú Bình).
"Đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc" là mục tiêu tổng quát của Quy hoạch.
Cụ thể hơn, Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt đề ra mục tiêu đến 2025, Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và Vùng Thủ đô Hà Nội.
Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Thành phố Thái Nguyên sẽ được xây dựng trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.
Về kinh tế, Thái Nguyên phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 8% đến 8,5%/năm; quy mô kinh tế đạt khoảng 13,5 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 45 tỷ USD.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu GRDP bình quân/người đạt khoảng 8.900 USD (giá hiện hành).
Với tầm nhìn đến năm 2050, Thái Nguyên phấn đấu đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP).
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải khẳng định Quy hoạch tỉnh là cơ sở quan trọng, là "kim chỉ nam" để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn tỉnh.
Đây cũng là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đề nghị người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị địa phương khẩn trương xác định nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị để chỉ đạo xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực hợp lý nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể.
Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đề nghị các đơn vị khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành về đất đai, xây dựng bảo đảm phù hợp Quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Từ đó, chủ động sửa đổi cơ chế, chính sách đã ban hành và đề xuất ban hành chính sách mới phát triển kinh tế - xã hội cho từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh.
Thành phố Thái Nguyên (Ảnh: Wikipedia).
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch… cũng là một nhiệm vụ quan trọng được Bí thư Thái Nguyên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh quán triệt tinh thần đẩy mạnh chuyển đổi số; đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường, các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Nguồn: dantri.com.vn