Trong 20 năm, GDP Việt Nam tăng gấp 10 lần, nhảy bao nhiêu bậc trên thế giới?

Năm 2002, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 44,56 tỷ USD, xếp thứ 60 trên thế giới.

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 44,56 tỷ USD, xếp thứ 6 trong khối ASEAN và thứ 60 trên thế giới năm 2002. Đến năm 2021, quy mô GDP của Việt Nam đã tăng lên đạt khoảng 368 tỷ USD, xếp thứ 41 trên thế giới. Như vậy, so với năm 2002, quy mô GDP Việt Nam đã tăng gấp hơn 8 lần, nhảy 19 bậc trên thế giới.

Theo dự báo mới nhất của IMF, năm 2022, quy mô GDP của Việt Nam đạt khoảng 413,81 tỷ USD, xếp thứ 37 trên thế giới. Theo đó, quy mô GDP Việt Nam năm 2022 đã tăng gấp hơn 9 lần, nhảy 23 bậc trên thế giới so với năm 2002.

Quy mô GDP Việt Nam giai đoạn 2002-2022 và dự báo 2022-2023. Nguồn: IMF.

Năm 2023, quy mô GDP được IMF dự báo đạt khoảng 469,62 tỷ USD, xếp thứ 35 trên thế giới. Với mức dự báo này, quy mô GDP Việt Nam năm 2023 tăng gấp 10 lần, nhảy 25 bậc trên thế giới so với năm 2002.

Xét trong toàn bộ các nước thuộc khối ASEAN, quy mô GDP của Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt trong giai đoạn 2002-2023.

Năm 2002, quy mô GDP của Việt Nam xếp thứ 6/10 trong khối ASEAN, cao hơn Myanmar, Brunei, Campuchia và Lào. Trong khi đó, Indonesia là quốc gia có quy mô GDP cao nhất trong khối ASEAN, đạt khoảng 212,81 tỷ USD.

Thái Lan xếp thứ 2, đạt khoảng 134,18 tỷ USD. Malaysia xếp thứ 3 với quy mô GDP đạt khoảng 109,83 tỷ USD. Singapopre và Philippines xếp thứ 4 và thứ 5 với quy mô GDP đạt lần lượt là 92,54 tỷ USD và 84,31 tỷ USD vào năm 2002.

Từ năm 2002-2021, quy mô GDP Việt Nam vẫn xếp thứ 6/10 trong khối ASEAN. Năm 2021, Indoneisa là quốc gia có quy mô GDP cao nhất trong khối ASEAN, đạt khoảng 1.187 tỷ USD. Thái Lan xếp thứ 2, quy mô GDP đạt khoảng 505,9 tỷ USD vào năm 2021.

Singapore xếp thứ 3 với quy mô GDP đạt khoảng 370 tỷ USD. Philippines và Malaysia xếp thứ 4 và thứ 5 với quy mô GDP đạt lần lượt là 394,09 tỷ USD và 373,03 tỷ USD vào năm 2021.

Cùng với đó, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 368 tỷ USD, xếp trên Myanmar, Campuchia, Lào và Brunei. Myanmar, Campuchia, Lào và Brunei có quy mô GDP đạt lần lượt là 65,16 tỷ USD; 26,31 tỷ USD; 18,55 tỷ USD và 14,01 tỷ USD vào năm 2021.

GDP các nước trong khối ASEAN giai đoạn 2002-2021 và dự báo 2022-2023. Nguồn: IMF.

Năm 2022, IMF dự báo GDP Việt Nam xếp thứ 5 trong khối ASEAN. Cụ thể, Indoneisa là quốc gia có quy mô GDP được dự báo cao nhất trong khối ASEAN, đạt khoảng 1.289 tỷ USD. Thái Lan xếp thứ 2, quy mô GDP được dự báo đạt khoảng 534,76 tỷ USD. Malaysia xếp thứ 3 với quy mô GDP được dự báo đạt khoảng 434,06 tỷ USD. Singapore xếp thứ 4 với quy mô GDP được dự báo đạt 423,63 tỷ USD.

Việt Nam được dự báo quy mô GDP đạt khoảng 413,81 tỷ USD, xếp thứ 5 và vượt qua Philippines (401,66 tỷ USD, xếp thứ 6 trong khối ASEAN) vào năm 2022.

Như vậy, quy mô GDP Việt Nam xếp trên Philippines, Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào. Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào có quy mô GDP đạt lần lượt là 59,53 tỷ USD; 28,33 tỷ USD; 18,46 tỷ USD và 16,25 tỷ USD.

Năm 2023, IMF dự báo GDP Việt Nam xếp thứ 3 trong khối ASEAN. Cụ thể, Indoneisa là quốc gia có quy mô GDP được dự báo cao nhất trong khối ASEAN, đạt khoảng 1.389 tỷ USD. Thái Lan xếp thứ 2, quy mô GDP được dự báo đạt khoảng 580,69 tỷ USD. Việt Nam xếp thứ 3 với quy mô GDP được dự báo đạt khoảng 469,62 tỷ USD. Malaysia xếp thứ 4 với quy mô GDP được dự báo đạt 467,46 tỷ USD.

Singapore và Philippines được dự báo xếp thứ 5, 6 trong khối ASEAN với quy mô GDP đạt khoảng 447,16 tỷ USD và 425,66 tỷ USD.

Như vậy, quy mô GDP Việt Nam xếp trên Singapore, Philippines, Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào. Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào có quy mô GDP đạt lần lượt là 63,56 tỷ USD; 30,71 tỷ USD; 17,94 tỷ USD và 15,04 tỷ USD vào năm 2023.

Trong giai đoạn 2002-2023, Việt Nam là nước có mức tăng GDP nhiều nhất, tăng gấp hơn 10 lần. Các quốc gia còn lại đều có sự cải thiện nhưng chậm hơn: Myanmar tăng hơn 9 lần, Lào tăng hơn 8 lần, Campuchia tăng hơn 7 lần, Indonesia tăng hơn 6 lần, Philippines tăng hơn 5 lần, Singapore tăng gấp 4,83 lần, Thái Lan tăng gấp 4,33 lần, Malaysia tăng gấp 4,25 lần và Brunei tăng gấp 2,77 lần.

 

Nguồn: Nhịp sống kinh tế.