Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đề nghị các đồng chí tham dự Hội nghị chia sẻ, trao đổi, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn...
Sáng 14/02, tại thành phố Thái Nguyên, Tỉnh uỷ Thái Nguyên tổ chức Hội nghị chuyên đề công tác xây dựng Đảng, phát triển tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu Tỉnh ủy Thái Nguyên kết nối với 12 điểm cầu tại các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên dự và chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đồng chí: Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐNĐ tỉnh Thái Nguyên cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh uỷ, lãnh đạo các Ban tham mưu giúp việc Tỉnh uỷ, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và đại diện hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Thái Nguyên cùng lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải chia sẻ, thời gian qua, mặc dù chịu nhiều tác động của tỉnh hình thế giới và đại dịch COVID-19, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và Nhân dân, Thái Nguyên đã cơ bản thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa duy trì ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.
Cụ thể như: Kinh tế tiếp tục phát triển và đạt mức tăng 8,59%, cao hơn bình quân chung cả nước (8,02%); tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 31 tỷ USD (đứng thứ 4 cả nước, liên tục 4 năm); thu ngân sách năm 2022 đạt trên 19.100 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, vượt 30% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đáng chú ý, thu hút đầu tư được quan tâm, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài (đến nay tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn là 171 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 10,3 tỷ USD). Các xếp hạng về cải cách thủ tục hành chính, sự hài lòng của người dân, sự tương tác giữa người dân và chính quyền, về Chuyển đổi số đều tăng mạnh đứng trong top 5, top 10 toàn quốc.
“Với những kết quả đó, Thái Nguyên tiếp tục được đánh giá là địa phương có môi trường đầu tư an toàn, thông thoáng, minh bạch với trên 8.850 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng số vốn đăng ký trên 129 nghìn tỷ đồng.” Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải khẳng định, đạt được những kết quả đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đóng góp nhiều cho ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động; giữ vai trò nòng cốt kinh tế của tỉnh; ngoài ra các doanh nghiệp cũng đã tham gia tích cực vào công tác an sinh - xã hội của tỉnh.
Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên nhấn mạnh: Nhận thức rõ vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo thực hiện chủ trương phát triển doanh nghiệp nói chung trong đó khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bằng việc ban hành và thông qua nhiều chủ trương mang tính đột phá trong việc đồng hành và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Vừa qua, tỉnh đã tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân nhân dịp đầu Xuân để ghi nhận, biểu dương những đóng góp, cống hiến của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; đồng thời thể hiện sự quan tâm, cam kết đồng hành của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chuyên môn, các địa phương của tỉnh trong quá trình các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Hội nghị chuyên đề công tác xây dựng Đảng, phát triển tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
“Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, phát triển tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của việc phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp”, đồng chí Nguyễn Thanh Hải nêu rõ.
Khẳng định công tác phát triển đảng là một nội dung cơ bản, quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi tổ chức đảng góp phần tăng cường lực lượng, trẻ hóa đội ngũ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, bảo đảm sự kế thừa và phát triển liên tục đội ngũ của Đảng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho rằng, công tác phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số những hạn chế. Vì vậy, để tiếp tục đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp trong việc tạo môi trường sản xuất kinh doanh cũng như đẩy mạnh việc phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đề nghị các đồng chí tham dự Hội nghị chia sẻ, trao đổi, đánh giá đúng thực trạng để khẳng định kết quả đã đạt được, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân; dự báo tình hình và xu thế phát triển; vị trí, vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
Đồng thời, đề xuất được nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Theo báo cáo đề dẫn Hội nghị của đồng chí Dương Xuân Hùng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên chia sẻ: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 07 khu công nghiệp, 35 cụm công nghiệp trong đó một số khu công nghiệp quy mô lớn như: Yên Bình, Sông Công I, Sông Công II, Điềm Thụy, Nam Phổ Yên...
Phát huy các lợi thế, tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển nhiều ngành công nghiệp hiện đại, như: điện tử và vi mạch bán dẫn; chế tạo máy, gia công kim loại và cơ khí lắp ráp; công nghiệp nhẹ, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp sản xuất kim loại; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản. Nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường trong nước và nước ngoài, như: sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử, sản phẩm cơ khí, may mặc, chè...
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy Thái Nguyên thường xuyên quan tâm lãnh đạo thực hiện chủ trương phát triển doanh nghiệp nói chung trong đó khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập và hoạt động trên nhiều lĩnh vực ngành nghề. Theo đó, số lượng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh mỗi năm tăng bình quân trên 800 doanh nghiệp, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh có 5.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn điều lệ đăng ký hơn 30.000 nghìn tỷ đồng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập có thể nói là bùng nổ, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2010 - 2015.
Đặc biệt, giai đoạn 2020-2022, mặc dù chịu ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của quyết liệt của Tỉnh ủy, sự điều hành năng động cùng với việc quan tâm đồng hành của, chính quyền tỉnh Thái Nguyên, số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm đều tăng. Trong đó, năm 2021, toàn tỉnh đã thành lập mới cho 891 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký hơn 11.300 tỷ đồng; năm 2022, Thái Nguyên cấp mới đăng ký kinh doanh cho 850 doanh nghiệp với số vốn đăng ký khoảng 9.000 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến nay là 8.850 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 129.000 tỷ đồng.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên Dương Xuân Hùng khẳng định, từ quá trình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cho thấy, sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của các cấp ủy đảng, sự điều hành năng động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt của chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân các dân tộc, tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa duy trì ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân.
Đồng chí Dương Xuân Hùng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên chia sẻ, hiện nay, Thái Nguyên có 02 đảng bộ doanh nghiệp nhà nước cấp trên cơ sở, 140 tổ chức cơ sở sở đảng và 358 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, trực thuộc các huyện, thành phố và Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh đã nỗ lực xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp, số lượng, chất lượng đảng viên ngày càng tăng. Đa số đảng viên được chủ doanh nghiệp tin tưởng, tín nhiệm đã gắn bó, chia sẻ trách nhiệm với chủ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh và từng bước phát triển, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Các chủ doanh nghiệp là đảng viên đã phát huy tốt vai trò, tính tiền phong gương mẫu, chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện để phát triển tổ chức đảng, đảng viên. Tổ chức đảng trong các doanh nghiệp đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, người lao động; phối hợp với hội đồng quản trị công ty, chủ doanh nghiệp giải quyết kịp thời các vướng mắc, định hướng tuyên truyền, ổn định tình hình không để xảy ra điểm nóng, khiếu kiện đông người. Nhiều tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò tích cực góp phần vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức đoàn thể với lãnh đạo doanh nghiệp.
Từ thực tiễn, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên Dương Xuân Hùng đã thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua tuy các cấp ủy đã chú trọng công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, đội ngũ đảng viên lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Tỷ lệ các doanh nghiệp có tổ chức đảng còn thấp (chiếm khoảng 11% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; việc tạo nguồn phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ đảng viên so với tổng công nhân lao động còn khiêm tốn (chiếm khoảng 1,08%).
Đảng viên trong các tổ chức đảng phần nhỏ là chủ doanh nghiệp tư nhân được kết nạp vào Đảng; số đảng viên được kết nạp vào Đảng chủ yếu là trong các doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước hoặc một số doanh nghiệp tư nhân đã có tổ chức đảng. Mặt khác, đa số doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để thành lập tổ chức đảng và tổ chức đoàn thể. Việc phát triển đảng viên gặp nhiều khó khăn, một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức đến việc tạo nguồn đảng viên. Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, hoạt động của các đoàn thể hầu hết còn phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp; chưa có cơ chế để chủ doanh nghiệp tư nhân khuyến khích, động viên người lao động vào Đảng…
Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay, Tỉnh ủy Thái Nguyên sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước cho phù hợp với tình hình mới hiện nay. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và chủ doanh nghiệp, người lao động về công tác xây dựng tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các địa phương, đơn vị trong việc xây đảng, củng cố, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên, đoàn viên trong doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân; ban hành khung quy chế làm việc của cấp ủy, xác định rõ mối quan hệ phối hợp giữa cấp ủy với lãnh đạo, chủ đơn vị kinh tế tư nhân trên cơ sở tôn trọng bảo đảm hài hòa lợi ích của đơn vị với sự phát triển của tổ chức đảng và quyền của đảng viên trong doanh nghiệp…
Tại Hội nghị, 24 tham luận và các ý kiến của các đại biểu đã đánh giá những kết quả đã đạt được của công tác phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Các đại biểu đã đưa ra một số hạn chế, khó khăn và đề xuất nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bản tỉnh Thái Nguyên…
Nguồn: Hiền Hòa - Phạm Cường