TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ CÔNG NGHỆ THÁI NGUYÊN- ẤM LÒNG TRONG SIÊU BÃO

SIÊU BÃO ĐỔ BỘ VÀ HOÀN LƯU SAU BÃO

 

Siêu bão Yagi (cơn bão số 3) đã tràn vào đất liền, gây hậu quả nghiêm trọng cho các tỉnh ven biển miền Bắc Việt Nam và thủ đô Hà Nội. Nhiều tàu thuyền bị lũ cuốn, nhiều ngôi nhà bị sập đổ, nhiều phương tiện giao thông bị hư hại, nhiều hàng cây bị quật ngã, nhiều mảnh đời bất hạnh mãi mãi ra đi… Nhưng hoàn lưu của cơn bão này mới thật là khủng khiếp!

Thái Nguyên, tỉnh trung du và miền núi phía Bắc là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của hoàn lưu bão Yagi! Ngay từ ngày 7/9/2024, mưa to như trút ở thượng nguồn và ngay trong tỉnh làm nước sông Cầu dâng cao trên mức báo động 3. Nhiều vùng dân cư trong thành phố và các huyện thị lân cận bị ngập sâu trong nước. Hai cây cầu Gia Bẩy, Bến Tượng bắc qua sông Cầu nối liền trung tâm thành phố với tuyến đường huyết mạch đi Lạng Sơn và huyện Đồng Hỷ buộc phải cấm lưu thông vì nước dâng cao và dòng chảy quá xiết!

Các chiến sĩ Lữ đoàn 382 và nhân dân tp TN nỗ lực gia cố đê sông Cầu khu vực gầm cầu Bến Tượng (Ảnh: Việt Hùng)

Trong tình trạng cắt điện, mất nước, thiếu lương thực thực phẩm, thiết bị liên lạc bị gián đoạn…, khu cư dân bên kia sông Cầu hoàn toàn bị cô lập. Trường Đại học Kinh tế và Công nghệ Thái Nguyên nằm ở phường Đồng Bẩm, cách trung tâm thành phố khoảng 1 km cũng lâm vào tình thế khó khăn, thiếu thốn ấy. Trong tình trạng mưa vẫn tiếp diễn, hồ đập thượng nguồn xả lũ, nước sông Cầu lên cao từng giờ…., Đảng, chính quyền và các lực lượng chức năng của tỉnh, thành phố một mặt lo gia cố đê chống lụt bão, mặt khác lo tiếp tế nhu yếu phẩm cho các vùng bị lũ lụt chia cắt trong đó có Trường Đại học Kinh tế Công nghệ Thái Nguyên. Nhưng việc tiếp tế lúc đó gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khu dân cư bên kia sông Cầu vì nhân lực thiếu và tàu thuyền nhỏ khó vượt qua sông khi nước đang đổ về cuồn cuộn…

 

NHỮNG QUYẾT SÁCH VÀ SẺ CHIA TRONG SIÊU BÃO

“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”

Thầy Bùi Thái Hải, Trần Khánh Duy, Đỗ Bình Minh tham gia cứu trợ ngay từ những ngày đầu bão lũ…(Ảnh: TKD)

Trong tình hình nguy cấp ấy, Đảng bộ, Ban Giám hiệu đã trực tiếp chỉ đạo các phòng ban chức năng, các cán bộ trong Trường bằng mọi giá đảm bảo an toàn và chăm lo đời sống cho sinh viên (và cả phụ huynh đưa con đến nhập học) đang bị cô lập tại điểm Trường. Ba cán bộ trẻ của Trường là Lan, Ly và Hiền đã ở lại Ký túc xá đồng cam cộng khổ với sinh viên. Và thật cảm động khi có những thầy cô dù nhà đang ngập lụt vẫn tham gia trực tiếp vào việc hỗ trợ cho sinh viên như thầy Duy, cô Phương (Phòng CTHSSV), thầy Hưng, thầy Hải, thầy Minh (Phòng ĐT- NCKH)… Mì tôm, lương khô, nước uống và sau đó là cả cơm tẻ với các món ăn nóng sốt…. được các thầy cô vượt qua những cung đường ngập lụt mang đến tận ký túc xá giúp cán bộ và các em sinh viên ấm lòng trong những ngày giông bão.

Cô Giang Thị Phương nấu cơm tiếp tế cho CB, SV và Phụ huynh đang bị cô lập ở Ký túc xá Trường ( Ảnh: Hồng Yến)

Bữa cơm ấm tình thầy trò sau nhiều ngày “mì tôm, nước lọc”… (Ảnh : Hồng Yến)

  

Ác quy sạc điện thoại cho CB và SV ở KTX trong thời gian mất điện. (Ảnh: Bùi Thái Hải)

Ngoài việc chăm lo cho sinh viên đang ở Ký túc xá, Nhà Trường còn tìm mọi phương án liên lạc và hỗ trợ các thầy cô giảng viên người Hàn Quốc đang cư trú tại khu Chung cư Tiến Bộ (Quang Vinh), một trong những nơi ngập sâu của thành phố. Nơi đây không chỉ mất điện, mất nước dài ngày mà còn khó tiếp cận bởi gần sông, giáp suối, nước chảy xiết, thuyền cứu hộ khó tiếp cận… Tuy nhiên, một số cán bộ, giảng viên trẻ của Trường đã cùng với các đoàn cứu trợ kịp thời tiếp tế lương thực thực phẩm cho cư dân khu vực này, trong đó có thầy cô giảng viên người Hàn Quốc đang công tác tại Trường.

Những ngày sau đó, nước bắt đầu rút, nhưng khu Chung cư vẫn ngập lụt và mất điện, mất nước trên diện rộng, Nhà trường đã cử cán bộ đón thầy cô Hàn Quốc ra trung tâm thành phố để thuận lợi cho sinh hoạt và làm việc.

Thầy Nguyễn Trọng Hưng và đoàn cứu trợ vào đón thầy Lee, cô Oh ra Trung tâm thành phố. (Ảnh NTH)

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, với tình cảm nồng ấm và tinh thần trách nhiệm cao, Ban Giám hiệu và đồng chí Chủ tịch công đoàn Trường đã hỗ trợ tối đa cho sinh viên và các cán bộ Nhà trường đang bị cô lập trong các vùng bị ngập úng. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Bình trực tiếp chỉ đạo công tác bảo vệ tài sản của Nhà trường và đảm bảo an toàn tính mạng của cán bộ, sinh viên… Các thầy cô khác trong Ban giám hiệu như thầy Tô Bình, thầy Nguyễn Văn Vỵ luôn theo sát diễn biến thông tin lụt bão và tình hình đời sống của cán bộ, sinh viên để cùng với Nhà trường tìm phương án hỗ trợ … Cô Trần Bích Nết, Chủ tịch công đoàn Trường luôn đưa ra những phương án và quyết sách kịp thời, giải quyết những khó khăn về cơ sở vật chất, chăm lo đời sống cho cán bộ và sinh viên trong những ngày bão lũ cam go. Thầy cô lãnh đạo các phòng, khoa và cán bộ, giảng viên của Trường cũng luôn theo sát động viên, khích lệ, hỗ trợ tích cực cho sinh viên trước, trong và sau cơn bão lũ…

Cô Nguyễn Thị Nga, Thầy Trần Khánh Duy, thầy Lê Đình Mạnh tham gia tiếp tế nhu yếu phẩm. (Ảnh LĐM)

 

BÌNH YÊN VÀ HY VỌNG  


Có thể thấy, những ngày qua, chống chọi với hoàn lưu siêu bão Yogi, tập thể lãnh đạo và cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế- Công nghệ Thái Nguyên đã làm rất tốt công tác bảo vệ tài sản của Nhà Trường, chăm lo chu đáo cho người dạy và người học. Trong những thời khắc khó khăn ấy, chính tinh thần trách nhiệm, tình cảm nồng ấm, sự linh hoạt khẩn trương và tinh thần đoàn kết đã giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục giao phó.

Chính nhờ đó mà Trường Đại học Kinh tế- Công nghệ Thái Nguyên đã hạn chế tốt đa những thiệt hại về cơ sở vật chất, bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của cán bộ, sinh viên. Những ngày này, Nhà trường đang chuẩn bị chu đáo cho việc giảng dạy, học tập theo kế hoạch; tiếp tục tuyển sinh bổ sung và sửa sang, vệ sinh môi trường học tập, sinh hoạt…   

Cây gãy đổ trong khuôn viên Trường (Ảnh: TKD)

Nước đã rút hết khỏi khuôn viên Trường (Ảnh: TKD)

Có thể nói, bình yên đã trở lại trên thành phố Thái Nguyên và ngay trong ngôi trường Đại học Kinh tế - Công nghệ. Một năm học mới lại bắt đầu. Hy vọng, Trường Đại học Kinh tế- Công nghệ Thái Nguyên, ngôi trường Đạt tiêu chuẩn Chất lượng giáo dục sẽ bước vào năm học 2024 - 2025 với khí thế mới, tầm cao mới và thắng lợi mới!

 

Nguồn: PGS.TS. Nguyễn Hằng Phương - Khoa Cơ bản.

 

Đính kèm: