Sân khấu truyền cảm hứng của chủ nhân giải thưởng VinFuture
Sau mỗi giải VinFuture là một câu chuyện đặc biệt, từ cậu bé nghèo gốc Jordan, cặp vợ chồng ám ảnh bởi bệnh AIDS, cô gái sợ đám đông hay cuộc gặp tình cờ của nhóm nghiên cứu vaccine mRNA.
Sau lễ trao giải VinFuture tối 20/1 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), sáng 21/1, chủ nhân các giải thưởng có buổi giao lưu mang tên Talk Future, kể về những câu chuyện đằng sau từng công trình.
Tại đây, trước hàng trăm khán giả trong khán phòng Hội trường Đại học Vin Uni (Hà Nội), các nhà khoa học đã chia sẻ về hành trình dài đã dẫn dắt họ đến với thành công như ngày hôm nay. Theo đó, để làm nên những công trình vĩ đại, giúp thay đổi cuộc sống của hàng triệu người là nền móng được xây dựng rất nhiều năm trước.
Mở màn chương trình là bài diễn thuyết của Giáo sư Omar M.Yaghi, nhà khoa học người Mỹ gốc Jordan giành giải với công trình nghiên cứu về vật liệu khung cơ khí (Metal-Organic Frameworks hay MOFs).
Kể về hành trình của bản thân, ông dẫn dắt người nghe về lại quá khứ hàng chục năm trước khi mình là một cậu bé nghèo, không có tiền mua đồ chơi. Cả gia đình 10 người sống chung nhà liền với chuồng bò. Nhưng cậu bé ấy nuôi niềm đam mê với bộ môn Hoá học khi còn chưa biết tên bộ môn, mới chỉ biết mô hình phân tử. Dần dần khi lớn lên, ông nhận ra Hoá học có thể giúp gián tiếp giải quyết các vấn đề của cả hành tinh.
Công trình mang đến vinh quang cho ông tại giải thưởng VinFuture lần này cũng là một giải pháp có thể tạo ra nhiều đột phá, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, ông đã tạo ra được một loại vật liệu mới. Với lượng rất nhỏ chỉ với 1 gram, to bằng khoảng một đồng xu, vật liệu có thể trải che phủ cả một sân bóng đá. Khi soi chiếu dưới kính hiển vi có thể thấy vật liệu chứa những lỗ rỗng ở cấp độ phân tử.
Công trình của ông có thể được ứng dụng trong việc thu giữ CO2, tạo ra nước từ không khí và lưu giữ hydro trong các vật chứa nhỏ gọn.
Câu chuyện truyền cảm hứng tiếp theo đến từ nhà khoa học nữ người Mỹ gốc Trung Quốc, Zhenan Bao, được trao giải cho nhà khoa học nữ với nghiên cứu về da điện tử, có khả năng co giãn và cảm nhận như da thật. Phát minh mở ra cơ hội cho hàng triệu người được phục hồi chức năng hiệu quả.
Đến từ Đại học Standford với chuyên môn trong lĩnh vực phân tử, bà say mê nghiên cứu phân tử có thể đi đến đâu, làm được những gì. Trong quá trình làm việc, bà nhận ra có rất nhiều người khuyết tật cần lấy lại cảm xúc của làn da. "Tôi nghĩ nếu có thể tạo ra một điện thoại có màn hình gập thì sao không thể tạo ra những thứ có thể giúp người khuyết tật", bà kể lại.
Niềm đam mê nghiên cứu trên được nuôi dưỡng từ thời thơ ấu. Cha là nhà vật lý, mẹ là nhà hóa học. Bà luôn được cha mẹ khuyến khích tìm hiểu, đặt câu hỏi. "Khi tôi 4 tuổi, cha có đưa tôi đến công viên và mua cho một ly nước đá. Cha đã đặt rất nhiều câu hỏi như "điều gì sẽ xảy ra nếu thả viên đá vào nước". Điều này giúp bà nhận ra nước đá nhẹ hơn nước, từ đó hình thành tình yêu với khoa học vì nó quá thú vị và nhiều bí ẩn.
Tình yêu khoa học cũng giúp bà vượt qua sự nhút nhát. Từ một cô sinh viên vừa từ Trung Quốc chuyển đến Mỹ, xấu hổ đến mức không cất được lời trong bài thuyết trình đầu tiên, Giáo sư Bao đã luyện cách nói chuyện, tiếp cận với mọi người để học thêm kiến thức, phát triển bản thân.
Bài chia sẻ tiếp theo được dành cho đôi vợ chồng đều là Giáo sư, ông Salim Abdool Karim bà Quarraisha Abdool Karim.
Hai vợ chồng đạt giải cho nhà khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển với phát minh gel có chứa dược chất Tenofovir - sản phẩm dành cho phụ nữ có tác dụng kháng virus HIV.
Nói về hành trình trước khi đến VinFuture, Giáo sư Quarraisha Abdool Karim và Giáo sư Salim Abdool Karim nói bị ám ảnh với căn bệnh AIDS thế kỷ tại nơi mình sinh ra. Phụ nữ có tỷ lệ mắc virus HIV cao gấp 4 lần nam giới.
Khi nghiên cứu về HIV và viêm phổi, hai nhà khoa học đã tình cờ phát hiện ra một vài hoạt chất có thể hữu ích trong điều trị HIV. "Chúng tôi nghĩ mình phải tạo ra một sản phẩm nào đó, để phụ nữ không phải lo lắng về căn bệnh thế kỷ nữa. Và sau nhiều lần thất bại, đến tận năm 2010, chúng tôi mới tạo ra được một sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên", vợ chồng giáo sư Karim chia sẻ.
Câu chuyện thứ 4 và cũng là được chờ đợi tại Talk Future dành cho chủ nhân của giải thưởng lớn nhất trị giá 3 triệu USD. Đại diện cho nhóm nghiên cứu đạt giải với công trình "Vaccine mRNA: Công nghệ đột phá để cứu sống con người", Giáo sư Katalin Kariko cho biết từ sự vô tình quen biết nhau, bà và hai nhà khoa học Drew Weissman và Pieter Cullis đã cùng hợp lực để tạo nên một giải pháp công nghệ tạo ra vaccine mới.
Bà Kariko từng không dám nghĩ mình sẽ tạo ra được những điều vĩ đại. Tuy nhiên, ước mơ mang đến những điều tốt đẹp đã thôi thúc bà và hai cộng sự tạo ra vaccine mRNA giúp bảo vệ mạng sống hàng tỷ người trên hành tinh.
Giải thưởng VinFuture quy tụ những nhà khoa học hàng đầu
Với giải thưởng VinFuture, lần đầu tiên tại Việt Nam có một sự kiện quy tụ hàng trăm nhà khoa học hàng đầu trên thế giới. Quỹ có mục tiêu tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu, hàng tỷ người. Giải thưởng VinFuture sẽ được trao hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa.
Đại diện ban tổ chức giải thưởng cho biết, VinFuture mở ra cơ hội kết nối trí tuệ giữa giới khoa học, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp, hội tụ các nguồn lực để cùng chung tay thúc đẩy quá trình thương mại hóa, đưa các ý tưởng nghiên cứu vào phục vụ đời sống một cách thiết thực, hiệu quả đúng như mục tiêu khoa học phụng sự nhân loại mà giải thưởng đề ra.
"Tri thức và khoa học sẽ giúp chúng ta thoát khỏi nghèo đói, phát triển", bà Lê Mai Lan, Phó chủ tịch Tập đoàn VinGroup khẳng định trên sân khấu sáng 21/1. Theo bà, sự chung tay của nhà khoa học ở nhiều quốc gia, không chỉ nước phát triển mà những nước như Việt Nam cũng tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ. "Nhân tài mà VinFuture phát triển chính là chìa khóa để tạo dựng tương lai cho tất cả mọi người", bà Mai Lan nhấn mạnh.
Một trong số các chủ nhân của giải thưởng VinFuture, ông Omar M.Yaghi cũng chung quan điểm này. Cũng đến từ một quốc gia đang phát triển, ông cho rằng 80% người trẻ ở các quốc gia đang phát triển cũng gặp khó khăn giống như ông thời trẻ. Nhưng tình yêu, sự khích lệ của gia đình và niềm đam mê khoa học là thứ sẽ đưa những người biết khát khao tiến về phía trước.
P. ĐT-NCKH-HTQT sưu tầm