Nội dung CTDH ngành Kỹ thuật cơ khí Năm 2015

MÔ TẢ VẮN TẮT NỘI DUNG VÀ KHỐI LƯỢNG CÁC HỌC PHẦN

 

I. Khối kiến thức giáo dục đại cương

55 TC

1. Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin 5 TC

5 TC

Nội dung thực hiện theo công văn số 2488/BGDĐT-ĐH&SDH, ngày 25/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học phần Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin bao gồm những nội dung kiến thức sau đây: những nội dung cơ bản về thế giới quan, Phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin; Những nội dung trọng tâm của học thuyết kinh tế Mác-Lênin; Những nội dung cơ bản thuộc lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về Chủ nghĩa xã hội.

2. Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam

3 TC

Nội dung thực hiện theo công văn số 2488/BGDĐT-ĐH&SDH, ngày 25/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học phần Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam bao gồm những nội dung kiến thức sau đây: Đường lối công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng và phát triển văn hoá xã hội; Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa; Đường lối đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh

2 TC

Nội dung thực hiện theo công văn số 2488/BGDĐT-ĐH&SDH, ngày 25/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm những nội dung kiến thức sau đây: Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và xây dựng con người mới, Phương pháp luận Hồ Chí Minh.

4. 5. Giáo dục thể chất

5 TC

Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 3244/GD-ĐT ngày 12/9/1995 và Quyết định số 1262/GD-ĐT ngày 12/4/1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học phần Giáo dục thể chất bao gồm những nội dung kiến thức sau đây: Huấn luyện cho người học những kiến thức cơ bản về thể thao quần chúng và thể thao quân sự bao gồm: Hiểu biết nguyên tắc, phương pháp huấn luyện thể lực, luật và tổ chức thi đấu một số môn thể thao.

6, 7, 8. Giáo dục quốc phòng và an ninh

8 TC

Nội dung học phần Giáo dục quốc phòng và an ninh gồm các nội dung ban hành tại Thông tư số 31/2012/TT- BGDĐT, ngày 12/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học phần này chi tiết gồm những nội dung kiến thức sau đây: Trang bị những kiến thức cơ bản về Đường lối quân sự của Đảng; Công tác quốc phòng, an ninh; Quân sự chung và chiến thuật,  kỹ thuật bắn súng tiểu liên AK (CKC).

9. Đại số tuyến tính

3 TC

Học phần Đại số tuyến tính bao gồm các nội dung chính: Không gian véctơ, không gian con, cơ sở và số chiều của không gian véctơ hữu hạn chiều. Ma trận, các phép toán trên ma trận. Định thức và các phương pháp tính định thức. Lý thuyết hệ phương trình tuyến tính tổng quát, các phương pháp giải hệ phương trình tuyến tính. Hệ phương trình tuyến tính thuần nhất. Ánh xạ tuyến tính, các phép toán trên các ánh xạ tuyến tính, giá trị riêng và vectơ riêng của một ánh xạ tuyến tính, chéo hóa ma trận, dạng song tuyến tính, dạng toàn phương, đưa dạng toàn phương về dạng chính tắc, và không gian véc tơ Ơclít,...

10. Giải tích 1

4 TC

Nội dung học phần Giải tích 1 bao gồm các kiến thức về: Hàm số, sự liên tục của hàm số, phép tính vi phân, tích phân, lý thuyết chuỗi. Nội dung chương trình đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất của toán học, yêu cầu sinh viên phải nắm được các tính chất của hàm một biến số (bao gồm giới hạn, tính liên tục, phép tính vi phân) và mối quan hệ giữa các tính chất đó. Đồng thời cần nắm được khái niệm tích phân suy rộng và sự hội tụ của chúng. Từ đó có khả năng vận dụng các kiến thức vào các chuyên ngành mà sinh viên được đào tạo.

11. Giải tích 2

4 TC

Nội dung học phần Giải tích 2 bao gồm: Chuỗi số, chuỗi hàm số. Đạo hàm và vi phân của hàm nhiều biến. Tích phân phụ thuộc tham số, tích phân bội. Nội dung chương trình đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất của toán học, yêu cầu sinh viên phải nắm được  các khái niệm và tính chất của chuỗi số, chuỗi hàm số. Từ đó có khả năng vận dụng các kiến thức vào các chuyên ngành mà sinh viên được đào tạo.

12. Tiếng Anh 1

3 TC

Môn học củng cố và ôn tập lại kiến thức ngữ pháp về thì hiện tại thường, hiện tại tiếp diễn, quá khứ thường, so sánh hơn và hơn nhất; Sinh viên được bổ sung thêm một số kiến thức ngữ pháp mới về câu điều kiện loại 1, cách dùng thì quá khứ tiếp diễn Nắm vững được hệ thống từ vựng liên quan đến chủ đề của bài học, củng cố lại những cấu trúc câu thông dụng đã học và trang bị thêm cấu trúc nâng cao để hiểu rõ văn phong cách diễn đạt trong tiếng Anh.

13. Tiếng Anh 2

3 TC

Người học được củng cố và ôn tập lại kiến thức ngữ pháp về thì hiện tại hoàn thành, danh từ đếm được và không đếm được. Bổ sung thêm một số kiến thức ngữ pháp mới về cách dùng would, câu điều kiện loại 2, thì tương lai… Nắm  vững được  hệ  thống từ vựng liên quan đến chủ đề của bài học, củng cố lại những cấu trúc câu thông dụng đã học cũng như trang bị thêm cấu trúc nâng cao để hiểu rõ văn phong cách diễn đạt trong tiếng Anh.

14. Tiếng Anh 3

3 TC

Người học được cung cấp kiến thức ngữ pháp về thì tương lai, quá khứ hoàn thành, thể bị động…Nắm vững được hệ thống từ vựng liên quan đến các chủ đề của bài học,  củng cố lại các cấu trúc thông dụng đã học cũng như được trang bị thêm các cấu trúc nâng cao, hiểu rõ văn phong, cách diễn đạt trong tiếng Anh. Người học phải hình thành được các kĩ năng đọc hiểu như: kĩ năng đọc lướt, kĩ năng đọc tìm ý chính, kĩ năng đoán ý tác giả, kĩ năng đoán nghĩa của từ thông qua văn cảnh…Người học biết vận dụng sáng tạo kiến thức đã học để có thể viết bài về những chủ đề khác nhau; Người học phát triển kĩ năng nghe, nói, và có thể vận dụng hợp lí những kiến thức đã học vào giao tiếp thực tế.

15. Tiếng Anh chuyên ngành

2 TC

Học phần Tiếng Anh chuyên ngành cung cấp các kiến thức về các thuật ngữ tiếng Anh thông dụng trong các ngành kỹ thuật; đồng thời rèn luyện sinh viên các kỹ năng đọc hiểu và dịch các tài liệu tiếng Anh chuyên ngành kỹ thuật.

16. Tin học cơ sở

3 TC

Học phần Tin học cơ sở trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin; hệ điều hành, phần mềm ứng dụng, phần mềm tiện ích; Khai thác hệ điều hành phổ thông MS Windows; Sử dụng các phần mềm văn phòng để làm tài liệu, quản trị dữ liệu ở mức đơn giản; Sử dụng các dịch vụ trên Internet như e-mail, tìm kiếm tin tức.

17. Xác suất thống kê

2 TC

Học phần Xác suất thống kê trang bị cho sinh viên các khái niệm cơ bản của lý thuyết xác suất như các hiện tượng ngẫu nhiên, tất nhiên, các loại phân bố gián đoạn, phân bố liên tục, phân bố xác suất các đại lượng ngẫu nhiên. Học phần trình bày phương pháp thống kê xử lý các số liệu thực nghiệm và mối tương quan giữa các đại lượng tham số. Kiến thức lý thuyết được trình bày để sinh viên có thể áp dụng dễ dàng vào các ngành học thích hợp trong kỹ thuật.

18. Tiếng Việt thực hành

2 TC

Học phần Tiếng Việt thực hành bao gồm những nội dung kiến thức sau đây: Trang bị cho người học những kiến thức cơ bản của tiếng Việt, góp phần rèn luyện tư duy khoa học cho sinh viên, Rèn luyện năng lực sử dụng tiếng Việt một cách chính xác, mạch lạc, chặt chẽ và trong sáng. Môn học sẽ giúp trang bị cho sinh viên những kỹ năng soạn thảo và trình bày các loại hình văn bản và báo cáo thông dụng.

19. Hóa học đại cương

3 TC

Học phần Hoá học đại cương bao gồm những nội dung kiến thức sau đây: Hệ thống tuần hoàn - Nhiệt động học áp dụng cho hoá học; chiều hướng và giới hạn tự diễn biến của các quá trình; cân bằng hoá học; động hoá học; dung dịch, dung dịch chất điện ly, dung dịch chất không điện ly; hiện tượng bề mặt; điện hoá học; ăn mòn kim loại; phương pháp chống ăn mòn kim loại.

20. Vật lý đại cương 1

3 TC

Học phần Vật lý 1 bao gồm những nội dung kiến thức sau đây: Cơ học chất điểm; Trường hấp dẫn Newton; Cơ học hệ chất điểm – Cơ học vật rắn; Động lực học chất khí; Phương trình cơ bản thuyết động lực học; Giới thiệu về nguyên lý thứ nhất nhiệt động lực học, nguyên lý thứ hai nhiệt động lực học; Hàm sóng, ý nghĩa thống kê hàm sóng; Chu trình Carnot. Trường và sóng điện từ.

21. Vật lý đại cương 2

3 TC

Học phần Vật lý 2 bao gồm những nội dung kiến thức sau đây: Sóng ánh sáng; Thuyết tương đối Einstein; Quang lượng tử; nguyên tử - Phân tử; vật liệu điện và từ; vật liệu quang Laser; phương trình cơ bản cơ học lượng tử; hệ thức bất định Heidelberg; sắt từ; điện môi; đặc tính V – A của Transitor và Diode.

22. Thí nghiệm Vật lý

1 TC

Học phần Thí nghiệm Vật lý cung cấp cho sinh viên những kiến thức thực tế về những vấn đề cơ bản của các học phần Vật lý 1, Vật lý 2.

23. Pháp luật đại cương

2 TC

Học phần Pháp luật đại cương bao gồm những nội dung kiến thức sau đây: Giới thiệu các khái niệm, các phạm trù chung cơ bản nhất về Nhà nước và Pháp luật dưới góc độ của khoa học quản lý. Trên cơ sở đó, đi vào phân tích: Cấu trúc của bộ mày Nhà nước cũng như chức năng, thẩm quyền và địa vị pháp lý và cơ cấu của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; một số nội dung cơ bản của Luật  Hành chính, Luật Dân sự, Luật Hình sự.

24. Các học phần tự chọn cơ bản

 

24.1. Logic học đại cương

2 TC

Học phần giới thiệu về logic học hình thức, các qui luật và hình thức cơ bản của tư duy. Qua đó sinh viên được rèn luyện và nâng cao tư duy khoa học.

24.2. Quản trị học đại cương

2 TC

Học phần Quản trị học đại cương bao gồm những nội dung kiến thức sau đây: Cung cấp các kiến thức cơ bản về quản trị và sự vận dụng thực tiễn doanh nghiệp của nó như: khái niệm và bản chất của quản trị; Nhà quản trị; Môi trường quản trị; Các lý thuyết quản trị (cổ điển và hiện đại); Các chức năng của quản trị; Hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra. Học phần còn cập nhật một số vấn đề mới của quản trị học hiện đại như quản trị thông tin và ra quyết định, quản trị sự đổi mới/thay đổi, quản trị xung đột, quản trị rủi ro và cơ hội của một doanh nghiệp.

24.3. Môi trường và con người

2 TC

Học phần Môi trường và con người bao gồm những nội dung kiến thức sau đây: Cung cấp các thông tin về tình hình môi trường; bảo vệ môi trường, khung pháp lý về bảo vệ môi trường ở Việt Nam; các phương pháp quản lý các nguồn tác động môi trường điển hình.

24.4. Phương pháp luận nghiên cứu khoa học

2 TC

Phương pháp luận nghiên cứu khoa học thuộc về lĩnh vực khoa học tư duy. Mục đích của học phần là trang bị cho sinh viên những tri thức và kỹ năng cơ bản về nghiên cứu khoa học. Nội dung học phần bao gồm: Khái quát về Phương pháp luận NCKH; Đại cương về Nghiên cứu khoa học; Cơ sở phương pháp luận nghiên cứu khoa học; Phương pháp nghiên cứu khoa học; Xử lý dữ liệu trong NCKH; Logic tiến hành một công trình NCKH.

24.5. Xã hội học đại cương

2 TC

Học phần Xã hội học đại cương cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về xã hội học: như lịch sử hình thành và phát triển của xã hội học, đối tượng chức năng của xã hội học, các khái niệm, và phạm trù xã hội học, phương pháp nghiên cứu và các chuyên ngành xã hội học. Sinh viên nắm vững các khái niệm cơ bản, những luận điểm cơ bản của các lối tiếp cận xã hội học; Sinh viên hiểu biết được một số quy luật cơ bản của các sự kiện, hiện tượng xã hội và vận dụng lý giải một số hiện tượng xã hội ở VN.

24.6. Cơ sở văn hóa Việt Nam

2 TC

Môn học này trang bị cho sinh viên những hiểu biết cơ bản về tiến trình phát triển của văn hoá Việt Nam và đặc trưng văn hoá Việt Nam, qua đó có thể thấy được những nét tương đồng và khác biệt giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa các nước khác, đặc biệt là với văn hóa các nước trong khu vực và văn hóa các nước từng có nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam. Môn học này cung cấp cho sinh viên một hành trang văn hoá Việt Nam để họ hiểu rõ hơn dân tộc mình, nền văn hoá của mình. Sinh viên có thể phân biệt rõ khái niệm văn hoá, văn hiến, văn minh, văn vật, hiểu được các giai đoạn phát triển của văn hoá Việt Nam và những nét riêng, đặc trưng của văn hoá Việt Nam.

II. Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp

98 TC

25. Cơ học kỹ thuật 1

2 TC

Môn học cung cấp các kiến thức về trạng thái cân bằng của vật thể dưới tác dụng của các lực; các khái niệm cơ bản và hệ tiên đề của tĩnh học; thu gọn hệ lực; tìm điều kiện cân bằng của vật thể dưới tác dụng của hệ lực không gian và các hệ lực đặc biệt; ma sát; trọng tâm của vật rắn.

26. Vẽ kỹ thuật

3 TC

Học phần Vẽ kỹ thuật bao gồm những nội dung kiến thức sau đây: Xây dựng đồ thức của các đối tượng hình học như điểm, đường thẳng, mặt phẳng và các mặt hình học cơ bản bằng phép chiếu vuông góc; ứng dụng để giải các bài toán trong các trường hợp đặc biệt; Xây dựng hình biểu diễn của các vật thể như: Hình chiếu, hình cắt, mặt cắt và hình chiếu trục đo….; Sử dụng phần mềm máy tính trợ giúp thiết kế để xây dựng các bản vẽ 2 chiều.

27. Máy CNC và Robot công nghiệp

2 TC

Học phần này cung cấp các kiến thức cơ sở, phương pháp lập trình và kỹ năng vận hành các máy công cụ CNC và Rôbốt công nghiệp cho sinh viên Cơ khí bao gồm các nội dung: Các khái niệm, định nghĩa cơ bản và phân loại hệ điều khiển số; Nhiệm vụ điều khiển máy công cụ theo chương trình số: Sơ đồ cấu trúc tổng quát của hệ điều khiển CNC và các cụm kết cấu cơ bản của máy công cụ CNC và Rôbốt công nghiệp; Hệ dẫn động chạy dao, hệ dẫn động trục chính và nguồn động lực của máy công cụ CNC; Động học và thiết kế quĩ đạo cho Rôbốt công nghiệp; Khái quát về lập trình máy CNC và Rôbốt công nghiệp.

28. Kỹ thuật đo lường

2 TC

Học phần Kỹ thuật đo lường bao gồm những nội dung kiến thức sau đây: Cơ sở lý thuyết của kỹ thuật đo lường: Các khái niệm cơ bản của kỹ thuật đo lường, sai số của phép đo và gia công kết quả đo; các cơ cấu chỉ thị; các sensor đo lường; Mạch đo lường và gia công thông tin, mạch tỷ lệ; mạch gia công tính toán; khái niệm cơ bản về AD; DA,… ; đo dòng điện, điện áp; đo các đại lượng không điện: lực, áp suất, nhiệt độ. Giới thiệu độ bóng, bề dày, kích thước sản phẩm….

29. An toàn công nghiệp

2 TC

Học phần An toàn công nghiệp bao gồm những nội dung kiến thức sau đây: Một số vấn đề về khoa học bảo hộ lao động: Một số khái niệm và định nghĩa cơ bản trong khoa học bảo hộ lao động. Luật pháp, chế độ chính sách bảo hộ lao động. Kỹ thuật vệ sinh lao động. Kỹ thuật an toàn điện. Kỹ thuật an toàn hoá chất. Kỹ thuật phòng cháy chữa cháy...

30. Các quá trình gia công cơ bản

2 TC

Học phần Các quá trình gia công bao gồm những nội dung kiến thức sau đây: Khảo sát các quá trình gia công cơ bản trong sản xuất cơ khí bao gồm các quá trình Đúc; Gia công kim loại bằng áp lực; Hàn và cắt kim loại; Gia công cắt gọt; Xử lý nhiệt; Gia công đặc biệt; lắp ráp; đồng thời quan tâm đến một số vấn đề khác như: khái niệm cơ bản trong sản xuất cơ khí, Vật liệu kim loại và phi kim loại, chất lượng của sản phẩm cũng như các khái niệm về Cơ khí hoá và tự động hoá trong sản xuất công nghiệp.

31. Thực tập cơ sở

2 TC

Học phần Thực tập cơ sở bao gồm những nội dung kiến thức cơ bản sau: Sinh viên tìm hiểu những kiến thức cơ bản về kỹ thuật sản xuất và kỹ thuật an toàn thông qua các ban nghề: Rèn, gò – hàn, đúc; nguội; đo lường và khí cụ điện, lắp ráp một số mạch điện thông dụng; làm quen với các quá trình gia công cắt gọt….

32. Các môn tư chọn 2 (Tự chọn Quản lý công nghiệp)

 

 

32.1. Kinh tế học đại cương

2 TC

Môn học bao gồm hai phần chính: Kinh tế học vi mô: đề cập đến các vấn đề về luật cung cầu, cơ chế thị trường của người tiêu dùng, hành vi của nhà sản xuất, và các cấu trúc thị trường cạnh tranh; Kinh tế học vĩ mô: đề cập đến các vấn đề chu kỳ kinh tế, đo lường sản lượng kinh tế quốc dân, tổng cung, tổng cầu, các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, hệ thống ngân hàng và kinh doanh quốc tế.

32.2. Marketing căn bản

2 TC

Môn học Marketing căn bản giới thiệu những triết lý kinh doanh hiện đại, đã chi phối cách thức doanh nghiệp tham gia vào thị trường, với bí quyết của Marketing hiện đại là hiểu biết cặn kẽ nhu cầu, đây là nội dung cốt lõi, là xuất phát của mọi hoạt động Marketing. Do vậy Marketing sẽ trang bị cho người học khả năng thực hành Marketing một vũ khí độc đáo trên cơ sở hiểu biết thị trường và khách hàng. Để xây dựng và triển khai chiến lược Marketing hỗn hợp qua 4 công cụ : Sản phẩm, giá cả, phân phối và xúc tiễn hỗn hợp.

32.3. Quản lý chất lượng

2 TC

Học phần Quản lý chất lượng bao gồm những nội dung kiến thức sau đây: cung cấp những khái niệm cơ bản về chất lượng, các quan điểm về chất lượng trong nền kinh tế thị trường, các tiêu chuẩn chất lượng và đo lường chất lượng; các phương pháp quản lý chất lượng; các hình thức kiểm tra chất lượng. Hệ thống chất lượng ISO.

32.4. Quản lý công nghệ

2 TC

Học phần này cung cấp kiến thức cơ bản về các khái niệm về công nghệ và quản trị công nghệ; Dự báo, hoạch định công nghệ; Lựa chọn và đổi mới công nghệ và chuyển giao công nghệ; Các chiến lược công nghệ và quản lý công nghệ tại doanh nghiệp.

32.5. Quản lý dự án

2 TC

Học phần Quản lý dự án bao gồm những nội dung kiến thức sau đây: Cung cấp những kiến thức cơ bản về phương pháp, nội dung và trình tự tiến hành việc xây dựng, phân tích và quản lý các dự án đầu tư đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao về các mặt tài chính, kinh tế, xã hội và môi trường. Các phương pháp kỹ năng cơ bản tiến hành quản lý các dự án.

32.6. Quản lý sản xuất

2 TC

Học phần Quản lý sản xuất bao gồm những nội dung kiến thức sau đây: Cung cấp các kiến thức cơ bản về quản trị sản xuất và tác nghiệp trong doanh nghiệp của nó như dự báo, quản trị công suất, lập kế hoạch, tổ chức sản xuất trong doanh nghiệp, quản trị dự trữ sản xuất hệ thống cung cấp đúng thời hạn trong hệ thống sản xuất sản phẩm công nghiệp; xác định mối quan hệ chặt chẽ với các chức năng quản lý khác.

33. Cơ học vật liệu

4 TC

Môn học nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về ngoại lực và nội lực xuất hiện trong các kết cấu khi chịu tác dụng của các loại tải trọng khác nhau. Mục đích việc phân tích các kết cấu cơ bản trên là việc xác định các ứng suất, biến dạng và chuyển vị gây ra bởi tải trọng. Cung cấp cho sinh viên hiểu biết về sự ứng xử cơ học của các loại vật liệu chủ yếu cho việc tính toán thiết kế an toàn cho các kết cấu trong xây dựng và cơ khí.

34. Kỹ thuật điện –điện tử

3 TC

Môn học nhằm trang bị cho sinh viên khái niệm chung về  mạch điện; Dòng điện hình sin; Các phương pháp giải mạch sin không xác lập; Giới thiệu các linh kiện điện tử và mạch. Các tính chất của tiếp xúc P-N trong các diode, BJT, FET và các ứng dụng tuyến tính và phi tuyến của chúng. Các ứng dụng transistor trong thiết kế các mạch khuếch đại, mạch dao động và mạch xung. Đặc tính khuếch đại thuật toán và ứng dụng.

35. Máy điện cơ bản

2 TC

Học phần Máy điện bao gồm những nội dung kiến thức sau đây: Các kiến thức cơ bản về máy biến áp, máy điện một chiều, máy điện xoay chiều: và các đặc tính cơ bản của các loại máy điện thông dụng; ưu, nhược điểm và những ứng dụng của các loại máy biến áp, các loại động cơ, máy phát trong công nghiệp và đời sống; các loại máy điện đặc biệt.

36. Kỹ thuật nhiệt

2 TC

Kỹ thuật nhiệt môn khoa học nhằm dự đoán sự truyền năng lượng xảy ra giữ các vật và trong thiết bị do sự chênh lệch nhiệt độ gây nên. Nhiệt năng có thể truyền dưới 3 dạng cơ bản sau: bằng dẫn nhiệt, trao đổi nhiệt đối lưu và bức xạ nhiệt. Tổ hợp của 3 dạng truyền nhiệt cơ bản trên được xem như là dạng truyền nhiệt phức tạp. Việc nghiên cứu trực tiếp quy luật truyền nhiệt tổ hợp là rất phức tạp vì vậy chúng ta nghiên cứu lần lượt từng phương thức truyền nhiệt cơ bản sau đó phối hợp lại để tìm ra cách tính toán truyền nhiệt phức tạp cho thiết bị trao đổi nhiệt.

37. Phương pháp tính

2 TC

Môn học trang bị cho sinh viên phương pháp giải gần đúng sáu vấn đề cơ bản trong tính toán kỹ thuật: Giải phương trình và hệ phương trình phi tuyến; Giải hệ phương trình tuyến tính; Tính giá trị nội suy và xấp xỉ bằng bình phương cực tiểu; Tính gần đúng đạo hàm và tích phân; Giải gần đúng phương trình vi phân thường; Giải gần đúng phương trình đạo hàm riêng; Các phương pháp được trình bày theo tinh thần tóm lược giải thuật, giới thiệu công thức ước lượng sai số và cách làm cụ thể, lược bỏ chứng minh lý thuyết phức tạp.

38. Thiết kế bằng máy tính

2 TC

Giúp sinh viên làm quen và thực hành các bước của một tiến trình tính toán, thiết kế hoặc thiết kế lại với sự trợ giúp của máy tính; Phát triển kỹ năng thiết kế các sản phẩm độc lập, có tính thực tiễn và đầy đủ chức năng ứng dụng cho sinh viên; Giúp sinh viên thực hành kỹ năng thiết kế sản phẩm cơ khí có trợ giúp của máy tính, hoàn chỉnh các bản vẽ từ phác thảo, vẽ lắp, vẽ chế tạo, phiếu vật liệu cho đến báo cáo kỹ thuật hoàn chỉnh; Giúp sinh viên phát triển kỹ năng giao tiếp kỹ thuật trong cả báo cáo viết và thuyết trình kết quả.

39. Công nghệ chế tạo phôi

3 TC

Môn học trang bị cho sinh viên các kiến thức về phương pháp gia công vật liệu ra sản phẩm hay phôi liệu mà không qua cắt gọt, gồm 3 phần cơ bản: Đúc luyện; Gia công kim loại bằng áp lực và Gia công bằng hàn.

40. Vật liệu kỹ thuật

3 TC

Cung cấp các kiến thức cơ bản về các loại vật liệu kim loại đang được sử dụng rộng rãi trong ngành cơ khí, các kiến thức của vật liệu kim loại, mối quan hệ giữa các tác nhân với cấu trúc, tổ chức và cơ tính của vật liệu; Giới thiệu các công nghệ tăng bền VLKL trong dây truyền chế tạo máy; Các tiêu chuẩn về VLKL đang được sử dụng phổ biến.

41. Nguyên lý máy

3 TC

Nguyên lý máy là môn học cung cấp kiến thức về nguyên lý cấu tạo động học, lực học và động lực học của cơ cấu và máy nói chung. Môn học nhằm trang bị kiến thức để giải hai bài toán cơ bản sau: Phân tích nguyên lý cấu tạo, động học, lực học và động lực học của cơ cấu và máy đã cho; Tổng hợp (thiết kế) cơ cấu và máy từ những điều kiện động học, lực học và động lực học đã cho trước.

42. Chi tiết máy

4 TC

Học phần này cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản để tính toán và thiết kế các chi tiết máy và cơ cấu. Nội dung chủ yếu của môn học là tính toán động học, lực tác dụng và thiết kế các chi tiết máy theo các chỉ tiêu về khả năng làm việc. Đối tượng của môn học là các chi tiết máy của hệ thống truyền động bao gồm: các bộ truyền đai, xích, bánh răng, trục vít, vít truyền động…, trục, ổ lăn và ổ trượt, lò xo, khớp nối, các mối ghép…

43. Đồ án thiết kế hệ thống cơ khí

1 TC

Vận dụng phương pháp và kỹ năng thiết kế để tính toán thiết kế hệ thống truyền động cơ khí thực hiện một chức năng cụ thể bao gồm các nội dung: Thành lập nhóm thiết kế, lập kế hoạch thực hiện, xác định các yêu cầu kỹ thuật, phân tích chọn phương án thiết kế, tính toán động học hệ dẫn động, chọn động cơ, thiết kế chi tiết,thiết kế kết cấu, bản vẽ chung, bản vẽ lắp, bản vẽ chi tiết, thuyết minh.

44. Cơ học kỹ thuật 2

2 TC

Môn học cung cấp cho sinh viên các chuyển động của cơ hệ dưới tác dụng của các lực: Các khái niệm cơ bản và hệ tiên đề của động lực học; Phương trình vi phân chuyển động của điểm và cơ hệ; Các định lý tổng quát động lực học. Các nguyên lý Cơ học: nguyên lý Đalămbe, nguyên lý Di chuyển khả dĩ, nguyên lý Đalămbe – Lagrăng; Phương trình vi phân chuyển động của cơ hệ chịu liên kết, các tích phân đầu; Động lực học vật rắn.

45. Kỹ thuật chế tạo cơ khí 1

3 TC

.Môn học cung cấp  cho sinh viên những kiến  thức cơ bản về sự hình thành một sản phẩm cơ khí, bản chất vật lý của quá trình cắt gọt, lý thuyết tạo hình bề mặt, các kiến thức về độ chính xác gia công, chất lượng bề mặt, gá đặt và đồ gá, các phương pháp gia công cắt gọt cụ thể như tiện, phay, bào, mài, v. v… với các nội dung về chuyển động tạo hình, dụng cụ, máy, khả năng và các biện pháp công nghệ.

46. Kỹ thuật điều khiển ứng dụng

2 TC

Học phần bao gồm các nội dung về phương pháp và kỹ thuật đo lường, điều khiển tự động thông thường, môn học cũng trình bày các phương thức điều khiển tự động các quá trình rời rạc và các quá trình liên tục bằng những phương pháp điều khiển hiện đại như điều khiển tối ưu, điều khiển thích nghi, logic mờ,… trên cơ sở bộ điều khiển PC-based.

47. Dung sai lắp ghép

2 TC

Học phần này cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về tính đổi lẫn chức năng trong ngành chế tạo máy. Dung sai lắp ghép các mối ghép thông dụng trong ngành chế tạo máy như mối ghép hình trụ trơn, mối ghép then và then hoa, mối ghép ren, phương pháp giải bài toán chuổi kích thước và các nguyên tắc cơ bản để ghi kích thước trên bản vẽ chi tiết, một số loại dụng cụ đo và phương pháp đo các thông số cơ bản của chi tiết.

48. Điều khiển thủy lực - khí nén

2 TC

Học phần Truyền động thủy lực và khí nén là môn học cung cấp kiến thức cơ bản về nguyên lý hoạt động của các phần tử, thiết bị thủy lực và khí nén và các phương pháp tính toán các hệ thống truyền động và hệ thống điều khiển bằng thủy lực khí nén. Ứng dụng điều khiển PLC vào các hệ thống truyền động thủy lực-khí nén trong công nghiệp.

49. Thực hành Điện-Điện tử

1 TC

Nội dung môn học nghiệm lại các kiến thức cơ bản về các thiết bị điện 1 pha, 3 pha, máy biến áp, linh kiện điện tử, các cổng logíc cơ bản; các mạch biến đổi tuyến tính; các mạch biến đổi phi tuyến, các mạch khuyếch đại; các mạch dao động; các mạch khuyếch đại thuật toán; mạch nguồn và các ứng dụng. Luyện kỹ năng và thao tác thực hành. Lắp ráp được một số các mạch điện, điện tử thông dụng

50. Máy nâng chuyển

2 TC

Môn học trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về cơ giới hóa, quá trình nâng –vận chuyển vật trong các ngành công nghiệp và xây dựng. Qua đó sinh viên hiểu được cấu tạo, nguyên lý làm việc, phạm vi sử dụng, cách lựa chọn, quản lý, biết tính toán, thiết kế các cơ cấu, chi tiết điển hình của các thiết bị nâng chuyển.

51. Tự động hóa sản xuất

2 TC

Môn học giới thiệu những khái niệm cơ bản về tự động hóa các quá trình sản xuất. Khảo sát các loại hệ thống sản xuất tự động trong hầu hết các công đoạn của quá trình sản xuất như chế tạo, lắp ráp, bao gói, đánh giá, kiểm tra chất lượng sản phẩm, vận chuyển, bốc xếp và lưu kho. Ngoài ra còn giới thiệu về hệ thống các thiết bị tự động hóa hiện đại như máy tạo mẫu nhanh và hệ thống sản xuất biến hình.

52. Thí nghiệm cơ học máy

1 TC

Sinh viên thực hiện các bài thí nghiệm nhằm minh họa các các kiến thức của các môn học: Nguyên lý máy, Cơ học kỹ thuật, Chi tiết máy.

53. Thí nghiệm vật liệu

1 TC

Sinh viên thực hiện các bài thí nghiệm nhằm minh họa các các kiến thức của các môn học Vật liệu kỹ thuật, Cơ học vật liệu.

54. Thực tập cơ khí

2 TC

Sinh viên thực tập tại xưởng thực tập về tay nghề cơ khí, bao gồm các kỹ năng gia công tạo phôi, gia công cắt gọt như: tiện, phay, bào, mài, gia công CNC...

55. Kỹ thuật chế tạo cơ khí 2

3 TC

Môn học này giới thiệu một số phương pháp công nghệ lăn ép, gia công không truyền thống. Cung cấp cho sinh viên các kiến thức lý thuyết và thực hành gia công một số bề mặt ren, bề mặt răng, bề mặt định hình phức tạp cũng như quy trình công nghệ gia công các chi tiết điển hình và công nghệ lắp ráp.

56. Đồ án Công nghệ chế tạo

2 TC

Đồ án có nội dung thực hiện 1 nhiệm vụ được giao cho một hoặc một nhóm sinh viên vận dụng các kiến thức đã học để lập qui trình công nghệ gia công  một sản phẩm cơ khí đạt các yêu cầu kỹ thuật về độ chính xác gia công, chất lượng bề mặt với năng suất đã cho và giá thành sản xuất hợp lý, phù hợp và cập nhật điều kiện gia công hiện tại.

57. FMS & CIM

1 TC

Môn học cung cấp các kiến thức về hệ thống sản xuất linh hoạt (FMS) và hệ thống sản xuất tích hợp nhờ máy tính (CIM).

58. Lập trình PLC

2 TC

Học phần này cung cấp các kiến thức cơ bản và nâng cao về hệ thống điều khiển logic khả trình sử dụng phổ biến trong công nghiệp. Sinh viên được trang bị các kiến thức để có thể kết nối bộ điều khiển logic với thiết bị vào/ra; Có thể viết được chương trình điều khiển giao tiếp với thiết bị ngoại vi. Một số các bài toán cụ thể trong thực tế sẽ được áp dụng bằng kiến thức của môn học này.

59. Thiết kế máy công nghiệp

3 TC

Môn học nhằm trang bị cho sinh viên cơ bản về lý luận thiết kế máy. Trình bày các giải pháp cụ thể và việc lựa chọn phương án thiết kế động học, động lực học và điều khiển máy. Đề cập đến sơ đồ làm việc và tính toán thiết kế một số máy công nghiệp điển hình.

60. Thiết kế dụng cụ cắt

2 TC

Môn học cung cấp kiến thức về cơ sở lý thuyết tạo hình trong gia công cơ, phương pháp xác định profin của một số dao cắt định hình, bao hình và vấn đề tối ưu trong thiết kế dụng cụ cắt kim loại.

62. Thực tập tốt nghiệp

3 TC

Sinh viên thực tập công tác kỹ thuật và quản lý kỹ thuật tại một đơn vị trong lĩnh vực cơ khí chế tạo hoặc một số ngành công nghiệp có liên quan.

63. Đồ án tốt nghiệp

10 TC

Đồ án tốt nghiệp nhằm tổng hợp các kiến thức đã học của các môn học đại cương, cơ sở và chuyên ngành. Nội dung của luận văn tốt nghiệp thường là thiết kế thiết bị, máy móc hoặc dây chuyền sản xuất, nghiên cứu ứng dụng, công nghệ mới hoặc đề xuất các giải pháp kỹ thuật tốt hơn, hợp lý hơn, lập quy trình công nghệ gia công sản phẩm cơ khí.

64.1. Kỹ thuật chế tạo cơ khí 3

2 TC

Môn học cung cấp kiến thức về các phương pháp gia công đặc biệt sử dụng các dạng năng lượng cơ, hóa, điện, nhiệt. Nguyên lý gia công, thiết bị và dụng cụ , các thông số và đặc điểm công nghệ của các phương pháp này. Xác định phương pháp và chế độ gia công hợp lý.

64.2. CAD/CAM/CNC

2 TC

Môn học cung cấp các kiến thức và phương pháp luận về CAD/CAM, mô hình hóa hình học, đồ họa máy tính, thiết kế nhờ máy tính và các ứng dụng, công nghệ, lập trình và máy công cụ CNC.

64.3. Phương pháp phần tử hữu hạn

2 TC

Trình tự giải một bài toán bằng phương pháp phần tử hữu hạn. Phương pháp tích phân số và  phương pháp giải hệ phương trình tuyến tính. Các phương pháp xấp xỉ và xấp xỉ bằng phương pháp phần tử hữu hạn.  Phần tử một chiều (Lagrange – Hermite), phần tử tam giác 3 nút, phần tử tứ giác 4 nút đẳng tham số dựa trên cơ sở chuyển vị.  Các bài toán cơ bản trong lý thuyết đàn hồi và bài toán truyền nhiệt (ma trận độ cứng, véc tơ tải nút tương đương mức phần tử và  mức kết cấu)

64.4. Quy hoạch thực nghiệm

2 TC

Môn học cung cấp các kiến thức căn bản về lập kế hoạch thí nghiệm và xử lí số liệu thực nghiệm trong kỹ thuật. Sinh viên được học và ứng dụng lý thuyết thiết kế thí nghiệm cho các bài toán thực nghiệm trong kỹ thuật bao gồm: lập kế hoạch thí nghiệm, thống kê dữ liệu, mô hình hồi quy, thực nghiệm so sánh và thực nghiệm tối ưu hóa.

64.5. Dao động kỹ thuật

2 TC

Môn học bao gồm các nội dung về các dạng dao động tuyến tính của cơ hệ một, hai, n bậc tự do, hệ đàn hồi; dạng phi tuyến và xây dựng mô hình tính toán dao động cho các cơ hệ.

64.6. Công nghệ hàn

2 TC

Nội dung học phần bao gồm các kiến thức về các phương pháp hàn; các loại nguồn nhiệt hàn; Cấu tạo vài loại trang thiết bị và công nghệ hàn đang sử dụng phổ biến.

64.7. Kỹ thuật người máy

2 TC

Nội dung môn học bao gồm những kiến thức về nguyên lý cấu tạo, động học, động lực học, nguyên tắc vận hành và những phương pháp lập trình điều khiển hoạt động của Robots trong thời gian thực. Môn học cũng giới thiệu các trang bị phần cứng, cảm biến và mở đầu áp dụng trí tuệ nhân tạo trên robot, đặc biệt là trên robot di động, các phương pháp điều khiển thường áp dụng trên robot công nghiệp và phạm vi ứng dụng của chúng trong sản xuất công nghiệp. Trên cơ sở những kiến thức được giới thiệu trong môn học này, người học có thể nhanh chóng tiếp cận và khai thác các loại Robot công nghiệp trong ứng dụng cụ thể.

64.8. Cán kim loại

2 TC

Nội dung môn học bao gồm những kiến thức về cơ sở lý thuyết cán; Động học của quá trình cán; Ưng suất vùng biến dạng; Những vấn đề cơ bản của công nghệ cán. Kỹ thuật các quá trình cán tấm nóng, cán tấm nguội. Những vấn đề cơ bản về thuyết kế lổ hình và đặc trưng biến dạng lổ hình khi cán. Công nghệ cán thép hình; Công nghệ san xuất ống; Công nghệ uốn hình.