Quy chế quản lý HSSV ngoại trú của ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên

QUY CHẾ

QUẢN LÝ HỌC SINH - SINH VIÊN NGOẠI TRÚ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1718/2007/QĐ-UB

ngày 28/8/2007 của UBND tỉnh)

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

            Điều 1. Học sinh, sinh viên ở ngoại trú là những công dân đang học tập, rèn luyện trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp cơ sở Dạy nghề, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Dịch vụ việc làm và các cơ sở dạy nghề (gọi chung là nhà trường) xác nhận làm thủ tục đăng ký ở ngoại trú theo Luật Cư trú, bao gồm các trường hợp sau:

            1. Học sinh và sinh viên ở với gia đình bố, mẹ, anh, chị (người có trách nhiệm nuôi dưỡng).

            2. Học sinh và sinh viên ở nhà người thân, họ hàng, …

            3. Học sinh và sinh viên ra thuê nhà, thuê phòng ở trọ bên ngoài nhà trường.

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh.

            1. Quy chế này điều chỉnh đối với các Nhà trường, Cơ quan, Ban, Ngành, đơn vị, các tổ chức xã hội có liên quan trong công tác quản lý học sinh, sinh viên ở ngoại trú.

             2. Cán bộ làm công tác quản lý HSSV, HSSV ở ngoại trú, các chủ hộ cho HSSV thuê trọ, ở trọ, các cán bộ chức năng tham gia vào công  tác có liên quan đến quản lý HSSV ngoại trú.

            Điều 3. Phạm vi điều chỉnh.

            Quy chế này điều chỉnh hành vi hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia trong công tác quản lý HSSV ngoại trú trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

            Điều 4. Nguyên tắc điều chỉnh:

            - Công tác quản lý HSSV ở ngoại trú phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Mọi hành vị vi phạm pháp luật phải được phát hiện và xử lý kịp thời.

            - UBND tỉnh khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia tạo điều kiện đảm bảo về nơi ăn, ở, sinh hoạt cho HSSV thuê ở ngoại trú. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng việc cho HSSV thuê nhà để hoạt động vi phạm pháp luật.

            Điều 5. HSSV ở ngoại trú phải tuân thủ và chấp hành mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Luật Cư trú và các nội quy, quy chế của Bộ GD&ĐT, của Nhà trường và các quy định của chính quyền địa phương nơi cho phép tạm trú.

            Điều 6. Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Dạy nghề, Trung tâm Giáo dục thường xuyên; Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng: Công an, Thuế, Quản lý Xây dựng, Tài nguyên-môi trường cần tổ chức phối hợp làm tốt trách nhiệm chuyên môn có liên quan đến việc xây dựng nhà trọ, kinh doanh nhà trọ, vệ sinh môi trường, công tác quản lý HSSV ở ngoại trú theo chức năng, nhiệm vụ đã được quy định.

 CHƯƠNG II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN NGOẠI TRÚ

            Điều 7. HSSV ở ngoại trú được hưởng các quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, phải gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chấp hành các quy định của pháp luật về cư trú, các quy định của chính quyền địa phương và quy định, quy chế của nhà trường và các quy định tại Quy chế này.

            Điều 8. HSSV ở ngoại trú phải làm giấy đăng ký ở ngoại trú theo mẫu quy định có xác nhận của nhà trường và công an phường, xã, thị trấn ở trọ. HSSV ở ngoại trú khi thay đổi chỗ ở phải báo với chủ hộ, Công an phường, xã, thị trấn và phải làm lại thủ tục xin thay đổi nơi ở ngoại trú với nhà trường và làm thủ tục đăng ký tạm trú tại Công an phường, xã, thị trấn  theo quy định của luật Cư trú. Hết một học kỳ, năm học phải nộp Giấy xác nhận HSSV ngoại trú theo mẫu quy định cho Công an phường, xã, thị trấn để xác nhận.

            - Nghiêm cấm HSSV ở ngoại trú vi phạm một trong những hành vi sau đây:

            1. Tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và sử dụng các loại vũ khí, hung khí, chất nổ, chất gây cháy, pháo và các chất độc hại.

            2. Tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép dưới mọi hình thức các chất kích thích gây nghiện như: Thuốc phiện, ma tuý và các chế phẩm của ma tuý.

            3. Tàng trữ, lưu hành, truyền bá phim ảnh, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc và các văn hoá phẩm có nội dung đồi truỵ, khiêu dâm, kích động bạo lực, các tài liệu chiến tranh tâm lý của địch hoặc các tài liệu tuyên truyền tà đạo trí phép và tham gia các tà đạo, tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật.

            4. Tổ chức hoặc tham gia các hoạt động đánh bạc, số đề, cá độ và hành vi đồi trụy, mại dâm dưới bất kỳ hình thức nào.

            5. Gây gổ đánh nhau hoặc kích động đánh nhau, tổ chức băng nhóm, phe phái tụ tập gây rối trật tự công cộng; tổ chức, tham gia đua xe hoặc cổ vũ đua xe trái phép dưới bất kỳ hình thức nào.

            6. Huỷ hoại, trộm cắp tài sản của Nhà nước, tài sản riêng của công dân hoặc cưỡng đoạt, cướp, cướp giật tài sản của công dân.

            7. Có hành động thiếu văn hóa, gây mất trật tự công cộng, gây ô nhiễm môi trường.

            8. Đưa người ngoài vào ở trong phòng ở của mình quá giờ quy định. Tổ chức uống rượu, bia, ca múa nhạc gây ồn ào mất trật tự và các hành vi trái pháp luật khác.

 CHƯƠNG III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG,

TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP, TRƯỜNG DẠY NGHỀ, CÁC TRUNG TÂM

VÀ CƠ SỞ DẠY NGHỀ

            Điều 9. Trách nhiệm của các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Trường dạy nghề, các trung tâm và cơ sở dạy nghề

1.Thường xuyên giáo dục cho HSSV nâng cao nhận thức về chính trị - tư tưởng, pháp luật, Luật cư trú, kiến thức về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và ý thức cảnh giác bảo vệ ANTT.

2. Xây dựng, ban hành những quy định cụ thể đối với HSSV ra ở ngoại trú như: Thủ tục hồ sơ, mẫu đơn cho HSSV ngoại trú và quy định cụ thể các hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với HSSV ngoại trú. Quán triệt cho HSSV thực hiện bản Quy chế quản lý HSSV ngoại trú của UBND tỉnh ban hành.

3. Không giải quyết cho HSSV ở ngoại trú trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể, Mặt trận, trong khuôn viên nơi thờ tự, hành đạo của các tổ chức tôn giáo như: Đình , Chùa, Nhà thờ. Không để HSSV thuê nhà ngoại trú ở các gia đình có thành viên liên quan đến tội phạm, tệ nạn xã hội: Ma túy, cờ bạc, số đề, mại dâm hoặc kinh doanh nhà hàng, bia, cà phê, Karaoke, vũ trường.

4. Lập sổ theo dõi quản lý đối với HSSV ở ngoại trú. Chủ động có kế hoạch để phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan Công an, tổ nhân dân kiểm tra thường xuyên HSSV ở ngoại trú.

5. Phối hợp với cơ quan công an và các ngành có liên quan, giải quyết nhanh gọn, dứt điểm các vụ việc do HSSV gây ra và những vụ việc có liên quan đến HSSV, xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm. Sau khi xử lý HSSV ngoại trú vi phạm, cần có sự trao đổi với công an địa phương để phối hợp quản lý giáo dục.

Điều 10. Các trường cần đầu tư xây dựng KTX nội trú khang trang, sạch đẹp để thu hút HSSV vào ở khu nội trú do nhà trường quản lý. Nhà trường phải có hướng dẫn cụ thể về các thủ tục đối với HSSV ra ở ngoại trú, có hệ thống sổ sách theo dõi, kiểm tra và đánh giá định kỳ đối với HSSV ra ở ngoại trú.

 CHƯƠNG IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CHỦ HỘ CHO HỌC SINH, SINH VIÊN

THUÊ TRỌ, Ở TRỌ

Điều 11. Những hộ cho thuê trọ, ở trọ phải thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định về điều kiện kinh doanh cho thuê lưu trú được quy định tại nghị định số 08/2001/NĐ-CP ngày 22/02/2001 của Chính phủ và các quy định của tỉnh được quy định tại các điều khoản của Quy chế này. Chỉ được nhận HSSV vào thuê trọ khi đã làm đầy đủ các thủ tục theo quy định của Luật cư trú. Các cơ sở nhà trọ, các gia đình có HSSV ở ngoại trú cần có các điều kiện và thực hiện tốt các quy định cơ bản sau đây:

1. Các cơ sở nhà trọ cho HSSV ở trọ đều có địa chỉ cụ thể: Số phòng, số nhà, tên xóm, tổ nhân dân, đường phố, phường, xã … . Chủ nhà trọ phảI là người có đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú tại nơi cho thuê trọ.

2. Nhà ở phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn về cấu trúc xây dựng và vệ sinh môi trường theo quy định của nhà nước về xây dựng và môi trường, đồng thời phải thực tốt các quy định của chính quyền địa phương.

3. Phải đảm bảo về điều kiện trật tự an toàn công cộng, an toàn phòng cháy chữa cháy, phòng nổ, phòng độc, vệ sinh môi trường, điện, nước sinh hoạt và thực hiện nghĩa vụ với nhà nước.

4. Các chủ hộ có HSSV thuê trọ phải có nội quy nhà trọ và thường xuyên kiểm tra trong việc thực hiện nội quy, có sổ sách ghi chép theo dõi HSSV ở trọ, thực hiện khai báo đăng ký tạm trú đầy đủ, kịp thời và chính xác về những HSSV đến thuê trọ và những HSSV thay đổi nơi tạm trú cho công an phường, xã, thị trấn và nhà trường.

5. Các chủ hộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận  lợi cho nhà trường, các cơ quan chức năng đến kiểm tra HSSV và báo cáo cho đoàn kiểm tra về tình hình chấp hành của HSSV đối với pháp luật, nội quy, quy ước, hương ước tại nơi tạm trú.

6. Khi chủ nhà trọ phát hiện HSSV có những hành vi vi phạm pháp luật hoặc gây ra những vụ việc liên quan đến AN-TT, phải có trách nhiệm báo cáo ngay cho Cảnh sát 113, Công an phường, xã, thị trấn tổ nhân dân biết để giải quyết.

 CHƯƠNG V

TRÁCH NHIỆM CỦA UBND CÁC CẤP

Điều 12. Đối với UBND huyện, thành phố, thị xã cần chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan ở địa phương về quản lý cư trú. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú tại địa phương; 
Đồng thời tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho công dân địa phương mình về pháp luật cư trú và kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về cư  trú theo quy định của pháp luật.

2. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có trường học đóng trên địa bàn có HSSV ở ngoại trú để làm tốt công tác quản lý nhà nước về ANTT, về điều kiện đăng ký kinh doanh, cho thuê lưu trú được quy định tại nghị định số 08/2001/NĐ-CP ngày 22/02/2001 của chính phủ; các quy định về xây dựng và vệ sinh môi trường.

3. Xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ thị, quy định về quản lý ANTT, về phòng chống các tệ nạn xã hội, về nếp sống văn minh, xây dựng Cơ quan, thôn xóm, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn văn hoá và vệ sinh môi trường trên phạm vi lãnh thổ.

Điều 13. Đối với UBND cấp phường, xã, thị trấn:

1. Có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc quyền, làm tốt công tác quản lý đăng ký thường trú, tạm trú, không để xảy ra những vụ việc phức tạp gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về ANTT ở địa phương.

2. Triển khai hướng dẫn đến tổ nhân dân, thôn, xóm và các hộ kinh doanh cho thuê trọ về các văn bản Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Công an gồm:

- Luật cư trú đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006.

- Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cư trú.

- Thông tư số 06/2007/TT-BCA-C11 ngày 01/7/2007, hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật cư trú.

- Nghị định số 08/2001/NĐ-CP ngày 22/02/2001 của Chính phủ về điều kiện ANTT đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

- Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 cuả Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội.

- Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18/01/2006 của Chính phủ V/v ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng.

- Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 06/6/2006 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động văn hoá - thông tin.

3. Triển khai các văn bản quy định về xây dựng, vệ sinh môi trường: Phường, phố, thôn, xóm, tổ nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, giữ vệ sinh môi trường đường phố, xóm làng… Đồng thời đôn đốc đưa vào thực hiện một cách thường xuyên, nề nếp quy định trên.

Điều 14. Đối với tổ nhân dân, thôn, xóm:

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các chủ hộ và HSSV thực hiện tốt các quy định của tổ nhân dân, thôn, xóm, chính quyền địa phương và pháp luật của Nhà nước. Thông tin kịp thời và phối hợp giúp đỡ cơ quan công an, Nhà trường để kiểm tra đối với HSSV ngoại trú và giải quyết các vụ việc xảy ra.

 CHƯƠNG VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN CÔNG AN CÁC CẤP

Điều 15. Công an tỉnh cần làm tốt những nhiệm vụ sau:

1. Tham mưu cho UBND tỉnh những chủ trương, giải pháp về công tác đảm bảo ANTT đối với HSSV của các trường ĐH, CĐ, THCN, Trung tâm và cơ sở dạy nghề đóng trên địa bàn. Tham mưu cho Ban giám hiệu các trường đề ra những chủ trương, biện pháp tích  cực  nhằm  đảm bảo giữ vững ANTT  trong  nhà  trường và làm  tốt  công  tác quản lý  HSSV.

2. Chỉ đạo công an cấp dưới về công tác chuyên môn nghiệp vụ. Kiểm tra, hướng dẫn công an cấp dưới làm tốt công tác quản lý nhà nước về ANTT, giải quyết xử lý kịp thời ngay từ cơ sở các vụ việc xảy ra liên quan đến HSSV.

3. Tăng cường chỉ đạo lực lượng công an cơ sở làm tốt công tác tham mưu đối với các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, các nhà trường, phường, xã, thị trấn về việc tuyên truyền, vận động quần chúng cùng tham gia vào công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên – giáo viên và nhân dân về chấop hành Luật cư trú, trách nhiệm đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, ma tuý, tệ nạn xã hội, giữ gìn trong sạch môi trường sống.

Điều 16. Công an các huyện, thành phố, thị xã phải làm tốt những nhiệm vụ sau đây:

1. Báo cáo, tham mưu, đề xuất kịp thời cho cấp uỷ, chính quyền cùng cấp làm tốt công tác quản lý Nhà nước về ANTT, chấp hành Luật Cư trú, giải quyết xử lý kịp thời ngay từ cấp cơ sở các vụ việc xảy ra liên quan đến HSSV; đồng thời trao đổi bằng văn bản cho Nhà trường về kết quả xử lý đối với HSSV vi phạm.

2. Triển khai, hướng dẫn Công an các phường, xã, thị trấn về các văn bản Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Công an gồm các quy định tại khoản 2 Điều 13 Quy chế này.

3. Chỉ đạo Công an cấc phường, xã, thị trấn thực hiện tốt Luật cư trú, làm tốt công tác kiểm tra, quản lý đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng và giải quyết tốt các vụ việc xảy ra tại địa phương theo chức năng; đồng thời phối hợp với nhà trường, công an tỉnh để giải quyết nhanh gọn, kịp thời các vụ việc xảy ra liên quan đến HSSV. Sau khi xử lý đối với từng vụ việc, từng HSSV vi phạm, công an phải có văn bản thông báo cho nhà trường biết nội dung vi phạm, hình thức xử lý để theo dõi, quản lý.

4. Làm tốt công tác thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, phòng cháy, chữa cháy cho các hộ làm nghề kinh doanh theo quy định. Hướng dẫn Công an phường, xã, thị trấn thực hiện tốt công tác cấp giấy đăng ký tạm trú cho HSSV ở ngoại trú trên địa bàn.

Điều 17.  Lực lượng Công an các xã, phường, thị trấn phải thực hiện  tốt  một số nhiệm vụ sau:

1. Niêm yết công khai, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về cư trú. Bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt làm công tác đăng ký, quản lý cư trú. Trong thời hạn 3 ngày làm việc sau khi nhận đủ giấy tờ xin đăng ký ở ngoại trú của HSSV, phải khẩn trương thực hiện tốt việc cấp giấy đăng ký thường trú, tạm trú cho ở ngoại trú trên địa bàn theo quy định của Luật Cư trú. Không ký đơn giải quyết cho HSSV xin ở ngoại trú trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, các tổ đoàn thể, Mặt trận, trong khuôn viên nơi thờ tự, hành đạo của các tổ chức tôn giáo như: Đình, Chùa, Nhà thờ. Không để HSSV thuê nhà ngoại trú ở các gia đình có thành viên liên quan đến tội phạm, tệ nạn xã hội: Ma tuý, cờ bạc, số đề, mại dâm hoặc kinh doanh nhà hàng, bia, cà phê, Karaoke, vũ trường.

2. Quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu về đăng ký, quản lý cư trú. Thực hiện việc lập sổ để theo dõi quản lý HSSV ngoại trú, thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc khai báo tạm trú, tạm vắng của HSSV và các chủ hộ cho thuê trọ.

3. Phối hợp với nhà trường có HSSV ngoại trú trên đại bàn để quản lý HSSV và giải quyết kịp thời, dứt điểm các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân có liên quan đến HSSV. Thông báo kịp thời cho nhà trường biết việc xử lý HSSV vi phạm ở địa phương để phối hợp giáo dục.

4. Phối hợp các ban, ngành chức năng trong phường, xã, thị trấn và huyện, thành phố, thị xã để kiểm tra xử lý những hộ dân, những HSSV có vi phạm về các chủ trương chính sách, pháp luật, quy định của Đảng-Nhà nước và của địa phương.

5. Kết thúc mỗi học kỳ, năm học ký Giấy xác nhận HSSV ngoại trú (do nhà trường cấp) về những ưu, khuyết điểm trong việc chấp hành các chính sách-pháp luật của Nhà nước và địa phương.

 CHƯƠNG VII

KHEN THƯỞNG KỶ LUẬT

Điều 18. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý HSSV ngoại trú sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành.

Điều 19. Tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm trong việc thực hiện Quy chế quản lý HSSV ngoại trú thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính theo các quy định hiện hành của Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường và của chính quyền địa phương hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 CHƯƠNG VIII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Sở GD&ĐT, Đại học Thái Nguyên và Sở Lao động Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

1. Ban hành các văn bản quy định việc quản lý HSSV, quy định về các hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với HSSV ngoại trú. Kiểm tra, đôn đốc các trường, các cơ sở dạy nghề, các trung tâm hữu quan thực hiện tốt sự chỉ đạo của UBND tỉnh và cấp trên trong việc quản lý HSSV nội trú, ngoại trú.

2. Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các trường thành viên trực thuộc dự trù nguồn kinh phí cho việc thực hiện việc công tác quản lý HSSV ở ngoại trú.

3. Chỉ đạo các trường, các Trung tâm, cơ sở dạy nghề, đơn vị thành viên trực thuộc để làm tốt công tác quản lý HSSV ở ngoại trú.

Điều 21. Cơ quan thuế, Sở Xây dựng, Sở tài nguyên – Môi trường có trách nhiệm: Xây dựng ban hành các văn bản quy định về thu thuế cho thuê lưu trú, xây dựng nhà ở, vệ sinh môi trường; đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định này.

Điều 22. Hàng năm Công an tỉnh có trách nhiệm chủ động phối hợp với Ngành Giáo dục & Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội để tổ chức sơ kết đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Quy chế Quản lý HSSV ngoại trú đối với các trường và các đơn vị liên quan, nhằm đánh giá những khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện Quy chế quản lý HSSV ngoại trú và đề ra các giải pháp để khắc phục giúp cho việc thực hiện tốt Quy chế này.

Điều 23. Định kỳ 6 tháng một lần các trường cần chủ động tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm đối với cán bộ làm công tác quản lý HSSV ngoại trú và lực lượng công an trực tiếp tham gia công tác quản lý HSSV ngoại trú; đồng thời đề ra phương hướng khắc phục những khó khăn tồn tại trong việc thực hiện quy chế; Qua đó để nhân rộng các gương điển hình làm tốt công tác quản lý HSSV ngoại trú.

Điều 24. Hàng quý các trường cần chủ trì tổ chức phối hợp với UBND các cấp nơi có HSSV ở trọ, Công an, kiểm tra thực tế nơi ở của HSSV ngoại trú để đánh giá tình hình thực trạng về đời sống, sinh hoạt … của HSSV ngoại trú./.