Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết 2023 là năm trọng tâm để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả và đúng lộ trình đặt ra

Phóng viên: Năm 2023 được đánh giá là năm trọng tâm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, xin bộ trưởng cho biết ngành đang đối mặt với khó khăn, thách thức nào và sẽ tập trung vào mục tiêu nào?

 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

- Bộ trưởng NGUYỄN KIM SƠN: Có rất nhiều thách thức đặt ra nhưng một trong những thách thức lớn chính là thực hiện thành công năm trọng tâm của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, cụ thể là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả và đúng lộ trình đặt ra.

Để thực hiện công cuộc đổi mới thành công cần rất nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực về tài chính đóng vai trò rất quan trọng. Nguồn lực này giúp các địa phương có sự chuẩn bị tốt về các điều kiện cơ sở vật chất: trường học, lớp học, trang thiết bị phòng học, thực hành, dụng cụ học tập...

Nếu như các địa phương, các tỉnh, thành phố không tập trung nguồn lực cho công tác triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi coi đó là những thách thức và đã có những kiến nghị đối với các bộ, ngành, đồng thời đề nghị cũng như phối hợp với các địa phương để cố gắng xử lý tốt những việc này.

Bên cạnh đó, những vấn đề như bảo đảm giáo viên cho đổi mới, đặc biệt là bảo đảm đội ngũ giáo viên cho những môn học mới trong chương trình cũng được xem là các thách thức trong quá trình đổi mới.

 

Học sinh lớp 10 tại TP HCM đã và đang học theo Chương trình phổ thông mới.Ảnh: TẤN THẠNH

Chúng tôi tin rằng với sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành cùng sự chỉ đạo rất sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc có trách nhiệm của địa phương thì những khó khăn, thách thức đó có thể sớm được giải quyết.

2023 là năm quan trọng trong lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, đây là năm nhịp ở giữa của quá trình triển khai. Hiện đã có 6 lớp được dạy theo chương trình mới và thay sách giáo khoa, các lớp còn lại sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2023 và những năm kế tiếp theo lộ trình đã đề ra.

Đây sẽ là năm tập trung rất nhiều việc, chúng tôi phải tiếp tục tập trung giải quyết những khó khăn, thách thức mà trong quá trình triển khai đã và có thể sẽ xảy ra, như triển khai những môn học mới trong chương trình; tìm mọi giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất; thiếu các điều kiện để triển khai. Đây cũng là những việc lớn và khó, là những thách thức lớn đối với ngành giáo dục.

Ngành giáo dục cần tập trung những nhiệm vụ gì trong năm nay và những năm tiếp theo để tiếp nối tinh thần đổi mới giáo dục mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao cho ngành?

- Năm 2023, ngành giáo dục thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm giải trình trước Đảng, nhân dân, Quốc hội. Chúng tôi sẽ cần phải đánh giá xem quá trình sau 10 năm thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, những gì đã làm được, những gì còn tiếp tục phải triển khai. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện trách nhiệm giải trình trước đoàn giám sát của Quốc hội trong việc thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 về triển khai biên soạn và sử dụng, giảng dạy và học tập theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới.

Đây cũng là năm chúng tôi phải hoàn thành việc biên soạn chương trình giáo dục mầm non mới.

Đối với giáo dục đại học, đây cũng là năm chúng tôi phải hoàn thành nhiệm vụ rất lớn đó là việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học, các trường đại học sư phạm trọng điểm, quy hoạch các trường chuyên biệt trong cả nước. Nhiệm vụ quy hoạch cần phải hoàn tất sớm và là nhiệm vụ lớn của ngành. Trong quá trình quy hoạch, cần phải rà soát, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học trên cả nước nhằm phát huy được tiềm năng của các trường, cũng như thực hiện những chiến lược phát triển giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, việc phát triển và xây dựng đội ngũ nhà giáo cũng là nhiệm vụ đặt ra cấp bách, bao gồm cả việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng và đáp ứng được công cuộc đổi mới cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Nhưng đồng thời cũng giải quyết được những vấn đề thừa - thiếu giáo viên đang đặt ra. Chúng tôi dự kiến trong năm 2023 sẽ dự thảo và trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà giáo. Đây là văn bản luật chúng tôi đang tập trung để xây dựng. Qua đó, có một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng làm căn cứ để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo trong thời gian tiếp theo…

.Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp gì để khắc phục tình trạng giáo viên nghỉ việc và thu hút người tài vào ngành sư phạm, thưa bộ trưởng?

- Mục tiêu của chúng tôi là phát triển đội ngũ nhà giáo, bao gồm vấn đề đủ về số lượng và ngày càng được cải thiện, ngày càng được nâng cao về chất lượng, trình độ, phẩm chất, năng lực của đội ngũ nhà giáo.

Về phương diện số lượng, chúng tôi có rất nhiều kiến nghị về chính sách. Trong đó, rất mừng là nhận được sự ủng hộ từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương các bộ, ngành, cho nên chúng tôi đã được cấp một lượng chỉ tiêu giáo viên rất lớn, hơn 65.000 giáo viên. Trong bối cảnh cả nước đang phải giảm số lượng biên chế bộ máy thì điều này thể hiện sự quan tâm, sự ưu ái đối với ngành giáo dục.

Việc của chúng tôi là phối hợp với Bộ Nội vụ, trong thời gian từ nay đến một vài năm tới sẽ tổ chức các kỳ tuyển dụng giáo viên, giảng viên một cách tối ưu: Tuyển đúng người, công bằng, công khai, minh bạch, chất lượng tốt nhất, bảo đảm bù đắp cho số giáo viên nghỉ hưu, số giáo viên chuyển việc cũng như đáp ứng được một phần yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy những môn học mới.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, rà soát các chế độ, chính sách, các quy định đối với đội ngũ nhà giáo để bảo đảm nhà giáo được phát huy tốt nhất sự sáng tạo trong công việc giảng dạy. Giáo viên thấy hào hứng với công việc là điều rất tốt cho người học.

Trong các chế độ, chính sách với nhà giáo, chúng tôi đặc biệt quan tâm việc bằng mọi cách cố gắng có thể cải thiện về phương diện đời sống của nhà giáo và hy vọng trong thời gian sắp tới sẽ đem lại được kết quả khả quan.

Để bảo đảm nguồn tuyển đối với giáo viên cho nhiều năm về sau, ngành giáo dục cũng đã có những chính sách thúc đẩy việc đào tạo giáo viên và chuẩn bị nguồn học sinh vào học các trường đại học sư phạm… 

Nguồn: Yến Anh.