Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng mục tiêu phát triển Kinh tế-Xã hội tỉnh Thái Nguyên

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng mục tiêu phát triển Kinh tế-Xã hội tỉnh Thái Nguyên

                                                             PGS.TS Tô Văn Bình

                                                                    P.Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế-Công nghệ Thái Nguyên

 

I. Nguồn nhân lực (NNL) chất lượng cao đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội

1.1. Đặt vấn đề

Nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận cấu thành nguồn nhân lực của quốc gia, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay. Phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Do đó, phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và là một tất yếu khách quan. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.   

1.2. Vai trò của nguồn nhân lực trong xây dựng và phát triển đất nước

Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là lực lượng tinh túy, quan trọng cấu thành nguồn nhân lực của quốc gia, nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Phần lớn nhân lực chất lượng cao ở nước ta là những người làm việc cho khu vực công, có quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Với tư cách là chủ thể quản lý và sử dụng, Nhà nước có trách nhiệm xây dựng và thi hành chính sách đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng, phát triển, sử dụng và trọng dụng nhân lực chất lượng cao. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước được quyết định bởi trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, hiệu quả công tác của nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Trong bộ máy hệ thống chính trị, nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng tham mưu cho Đảng và Nhà nước hoạch định chiến lược, kế hoạch, giải pháp xây dựng và phát triển đất nước và là lực lượng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, giải pháp đó. Vì vậy, mỗi giai đoạn cách mạng cần có nguồn nhân lực chất lượng cao tương ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn đó. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có quan điểm, chính sách phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của từng giai đoạn trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài...”(1).

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ được coi là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Thực hiện tốt khâu đột phá này sẽ làm tăng tiềm lực và sức mạnh của quốc gia, tạo ra sức mạnh tổng hợp, quyết định đến thành công của việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Hiện nay, toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, các liên kết kinh tế xuất hiện và ngày càng có nhiều ảnh hưởng, thúc đẩy sự phân công lao động sâu sắc và hình thành các chuỗi giá trị toàn cầu; cạnh tranh kinh tế diễn ra quyết liệt và mỗi quốc gia phải dành cho mình ưu thế trong cuộc cạnh tranh này. Trong đó, nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ, năng động trong quá trình phát triển kinh tế; là nhân tố làm chuyển dịch lợi thế so sánh giữa các quốc gia.

   Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành công cần có các chính sách hợp lý. Nhà nước cần chú trọng đầu tư đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực một cách tổng thể, mang tính chiến lược lâu dài, nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao có cơ cấu, chất lượng hợp lý, đủ năng lực, trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

1.3. Thực tiễn phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam

Trong những năm qua, hệ thống văn bản pháp luật về phát triển nguồn nhân lực đã được ban hành tương đối đầy đủ và ngày càng được hoàn thiện. Cụ thể, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức… Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật, đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực. Hệ thống văn bản này đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi và tạo động lực cho việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh hệ thống văn bản pháp luật được ban hành khá cụ thể, hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực đã từng bước được kiện toàn theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của công tác quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước, đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ phát triển mới. Hiện nay, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực ở nước ta bao gồm các bộ có chức năng, nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước về những lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến phát triển nguồn nhân lực như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ; các bộ có chức năng quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực chuyên ngành liên quan tới phát triển nguồn nhân lực đó như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; tất cả các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đều có các cơ sở trực thuộc trực tiếp cung ứng dịch vụ công liên quan đến phát triền nguồn nhân lực trong phạm vi quản lý của mình.

Thực hiện Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 và Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực; thực hiện nhiều giải pháp, chính sách nhằm thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng.

Nguồn nhân lực của đất nước được tăng cường cả về quy mô và chất lượng. Lực lượng lao động cả nước tăng từ 50,4 triệu người năm 2010 lên 56,2 triệu người năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2010 tăng lên khoảng 65% năm 2020. Nhân lực chất lượng cao cũng tăng đáng kể, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế như y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng.

Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Cụ thể, ở bình diện quốc gia, mới đưa ra chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam nói chung, chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 chưa xác định được nhu cầu cụ thể về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước nói chung cũng như của từng bộ, ngành, địa phương nói riêng. Vì vậy, chưa có cơ sở xây dựng một chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thống nhất, đồng bộ để thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và trọng dụng một cách hiệu quả, hợp lý.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao, thừa lao động thủ công, không qua đào tạo; thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp có trình độ năng lực cao; thiếu đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nhân lành nghề. Cạnh tranh quốc tế bằng lao động phổ thông, giá nhân công rẻ đang ngày càng không mang lại hiệu quả và khiến chúng ta yếu thế. Sự kém phát triển, thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao đang trở thành trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII đã chỉ rõ: “... nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số chưa đạt mục tiêu đề ra. Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm”.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực còn những hạn chế, đó là:

Quản lý nhà nước về phát triển nhân lực không tập trung, thống nhất xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương; Các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành được ban hành nhiều nhưng chưa có sự thống nhất giữa các văn bản với nhau, thậm chí có sự mâu thuẫn, chồng chéo; Một số văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính khả thi trong thực tiễn, hiệu lực thấp; Việc kiểm định, đánh giá chất lượng dịch vụ cung cấp nguồn nhân lực chưa thực sự thống nhất và hiệu quả chưa cao, các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chưa có quy định chuẩn; Thiếu minh bạch trong khâu tuyển dụng nguồn nhân lực đối với khu vực công, dẫn đến chất lượng tuyển dụng nguồn nhân lực chưa cao, chưa thu hút được người tài vào làm việc cho khu vực công. (còn nữa)