ChatGPT - OpenAI, công ty đứng sau ChatGPT

Tất tần tật về OpenAI, công ty đứng sau ChatGPT - ảnh minh họa (Ảnh: CNET)

Chỉ trong vài tháng qua ChatGPT của OpenAI đã trở thành chủ đề bàn tán cực HOT trong và ngoài giới công nghệ, mang đến một "làn sóng" Chatbot hoàn toàn mới, tích hợp AI được đào tạo để viết ra văn bản giống người viết đáng kinh ngạc. Vậy OpenAI là gì? Ai là người sáng lập OpenAI? ChatGPT được tạo ra bằng cách nào?

OpenAI là gì? Lịch sử ra đời OpenAI

 

Hình ảnh logo của OpenAI (Ảnh: Mashable)

OpenAl là một tổ chức nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tư nhân được thành lập vào tháng 12/2015 bởi Sam Altman, Greg Brockman, llya Sutskever, Vojciech Zaremba và Elon Musk.

Tỷ phú Elon Musk cũng là thành viên sáng lập của OpenAl, ý tưởng đằng sau việc hình thành tổ chức OpenAl là phát triển và thúc đẩy công nghệ AI trở nên thân thiện và có trách nhiệm cho cộng đồng. Các nhà sáng lập tin rằng AI có tiềm năng giúp giải quyết một số vấn đề cấp bách nhất của thế giới hiện tại.

Ai là người sáng lập OpenAI? Nhà đầu tư chính tại OpenAI là ai?

 

Greg Brockman CTO kiêm nhà sáng lập OpenAI (Ảnh: NVIDIA)

Các nhà sáng lập OpenAl bao gồm: Sam Altman, Greg Brockman, Sutskever, Wojciech Zaremba và Elon Musk. Trong đó, Sam Altman cũng là người đứng đầu tổ chức Y Combinator và là người đồng sáng lập OpenAl. Còn Greg Brockman là CTO hiện tại của OpenAl và trước đây ông cũng là chủ tịch kiêm CTO của công ty Cloudera.

Tiếp đến là llya Sutskever, ông là một nhà nghiên cứu AI nổi tiếng, người đã nghiên cứu về mạng lưới thần kinh và học sâu (deep learning). Còn lại là Wojciech Zaremba - nhà khoa học nghiên cứu tại OpenAl và là chuyên gia hàng đầu về xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và Elon Musk, nhà sáng lập công ty vũ trụ SpaceX và xe điện Tesla, đồng thời là người đồng sáng lập OpenAl.

OpenAl đã thu hút vốn từ một số nhà đầu tư nổi tiếng như Reid Hoffman, Peter Thiel và Marc Andreessen.

OpenAl có thể làm được những công việc gì? 

 

OpenAI còn tham gia nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, cộng đồng, startup,... ảnh minh họa (Ảnh: TheVerge)

OpenAI bắt đầu như một tổ chức nghiên cứu trong lĩnh vực AI. Tuy nhiên, sau đó tổ chức này đã phát triển GPT-2, một mô hình ngôn ngữ có thể tạo văn bản giống con người và phát triển OpenAl Gym - một bộ công cụ để so sánh các thuật toán học tăng cường trong AI.

Ngoài các nỗ lực nghiên cứu và phát triển, OpenAl cũng tham gia vào công việc chính sách, giáo dục và tiếp cận cộng đồng cũng như phát triển các ứng dụng AI. Công ty cũng duy trì một số quan hệ đối tác với các tổ chức khác hoạt động trong lĩnh vực AI bao gồm Microsoft, Google và IBM.

Elon Musk đóng vai trò gì tại OpenAl? 

 

Tỷ phú Elon Musk là một trong những nhà sáng lập Open AI (Ảnh: CNBC)

Tỷ phú Elon Musk là một trong những người đồng sáng lập OpenAl, gắn bó với công ty kể từ khi thành lập vào tháng 12/2015. Tuy nhiên, vào năm 2018 tỷ phú Elon Musk đã từ chức khỏi hội đồng quản trị của OpenAl do những xung đột về mặt lợi ích trong tương lai với các công ty Tesla và SpaceX vốn cũng đang phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Khi từ chức, Elon Musk đã nói rằng anh ấy dự định sẽ tiếp tục quyên góp cho tổ chức OpenAI. Tuy nhiên, lập trường của anh ấy có thể đã thay đổi vì gần đây Elon Musk thấy rằng OpenAl thiên về khía cạnh hoạt động “phi lợi nhuận” hơn và không còn phù hợp với "khẩu vị" đầu tư của Elon Musk.

Bên cạnh đó, vị tỷ phú này cũng tuyên bố: "Tôi không đồng ý với một số điều mà nhóm OpenAl muốn làm. Tôi cũng không muốn trở thành đại diện của tổ chức và không muốn liên quan đến OpenAI. Đồng thời tôi cũng không cố gắng trở thành vị cứu tinh của bất kỳ ai, tôi chỉ muốn giúp đỡ theo cách của riêng mình".

Microsoft đầu tư gì vào OpenAl? 

 

Microsoft đã rót hàng tỷ đô vào OpenAI kể từ khi hợp tác vào năm 2019 - ảnh minh họa (Ảnh: CNET)

Trong hai tháng qua, các chuyên gia đã nói rằng khoản đầu tư ban đầu của Microsoft vào OpenAl có thể trở thành một cú đột phá. Microsoft lần đầu tiên công bố “mối quan hệ đối tác chiến lược” với OpenAl vào năm 2019.

Sự hợp tác này có mục đích đưa các công nghệ AI tiên tiến của OpenAl lên nền tảng đám mây Azure của Microsoft, giúp các nhà phát triển và doanh nghiệp dễ dàng truy cập và sử dụng các mô hình và công cụ AI của tổ chức OpenAl.

Là một phần của quan hệ đối tác, Microsoft đã đầu tư vào OpenAl, đồng thời hai công ty này đã hợp tác trong một số dự án cũng như có các sáng kiến liên quan đến AI. Chỉ gần đây, Microsoft đã công bố khoản đầu tư trị giá hàng tỷ đô la vào OpenAl, tiếp tục khẳng định mối hợp tác bền vững giữa Microsoft và OpenAI.

Theo Satya Nadella - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Microsoft cho biết: “Chúng tôi đã thiết lập quan hệ đối tác với OpenAl với tham vọng chung là thúc đẩy nghiên cứu AI tiên tiến theo một cách có trách nhiệm và dân chủ hóa. Xem AI như một nền tảng công nghệ mới, trong giai đoạn hợp tác tiếp theo này của chúng tôi, các nhà phát triển và tổ chức trong các ngành sẽ có quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng, mô hình và các công cụ AI tốt nhất với Azure để xây dựng, chạy các ứng dụng của họ”.

Các dự án khác của OpenAl đã thực hiện là gì?

 

Các bức tranh do DALL-E của OpenAI vẽ nên (Ảnh: Medium)

Một trong những dự án trọng điểm của OpenAl là DALL-E, đây là một mô hình tổng quát có thể tạo hình ảnh từ các mô tả văn bản và được phát triển dựa trên mô hình GPT-5, một trong những mô hình ngôn ngữ tiên tiến nhất do OpenAl phát triển.

DALL-E sử dụng kiến trúc dựa trên máy biến áp, cho phép xử lý lượng lớn dữ liệu và tạo ra hình ảnh chất lượng cao. Mô hình DALL-E được đào tạo dựa trên một tập dữ liệu hình ảnh và mô tả văn bản lớn, từ đó cho phép DALL-E hiểu được giữa hai thứ này.

Một trong những tính năng chính của DALL-E là khả năng tạo hình ảnh từ các mô tả văn bản không có trong dữ liệu đào tạo. Ví dụ: Nếu được cung cấp một mô tả văn bản: "Ngôi nhà hai tầng có màu hồng và có hàng rào trắng, cửa màu đỏ", DALL-E có thể tạo ra hình ảnh về một ngôi nhà phù hợp với mô tả đó, ngay cả khi DALL-E chưa bao giờ nhìn thấy một ngôi nhà hai tầng hay ngôi nhà màu hồng với một hàng rào trắng và một cánh cửa màu đỏ.

 

OpenAI Five có khả năng chơi game chiến thuật như Dota 2 đòi hỏi độ chính xác cũng như cạnh tranh cao - ảnh minh họa (Ảnh: Medium)

DALL-E cũng có khả năng tạo hình ảnh từ các mô tả văn bản trừu tượng hơn, chẳng hạn như "người máy trông giống hươu cao cổ" hoặc "chiếc ô tô trông giống tàu vũ trụ". DALL-E hiện đã được phát hành dưới dạng API, cho phép các nhà phát triển tạo hình ảnh từ các mô tả văn bản trong thời gian thực, đồng thời giúp các nhà phát triển dễ dàng tích hợp công nghệ này vào các ứng dụng của riêng mình.

Ngoài DALL-E, mô hình còn lại là OpenAl Five có khả năng chơi Dota 2 - một trò chơi nổi tiếng về độ cạnh tranh cao với những người chơi chuyên nghiệp.

Dota 2 là một trò chơi thể loại MOBA phức tạp và đầy thử thách, đòi hỏi người chơi phải đưa ra các quyết định chiến lược, phối hợp với đội nhóm và phản ứng nhanh với các điều kiện thay đổi thường xuyên trên chiến trường.

 

DALL-E từng đánh bại đội tuyển eSport - OG Team tại một giải đấu trước đây (Ảnh: OpenAI)

OpenAl Five được thiết kế để chơi trò chơi theo cách tương tự như con người, kết hợp các kỹ thuật học sâu và học tăng cường (deep learning and reinforcement learning). Bên cạnh đó, mô hình OpenAl Five cũng được đào tạo bằng cách kết hợp học có giám sát (supervised learning) và dữ liệu trò chơi.

Mô hình AI này cũng có khả năng tự học và tự chơi với chính mình, điều này cho phép OpenAl Five tìm hiểu các yếu tố chiến lược của trò chơi, cũng như các kỹ năng chiến thuật cần thiết để thành công. OpenAl Five đã từng đánh bại những game thủ chuyên nghiệp trong các trận đấu thực tế trước đây.

Nguồn: TỐNG NAM, TUẤN VŨ.