50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không 1972 - Cuộc đối đầu trên bầu trời Hà Nội

15h cùng ngày, tại Đông Anh (Hà Nội), Tiểu đoàn tên lửa 57 được lệnh ăn cơm sớm ba tiếng. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt kiểm tra lại quân số, vẫn còn thiếu vài cán bộ đang cấp tốc cắt phép trở về. Tên lửa SAM-2 đã nằm trên trận địa Đại Đồng chờ khai hỏa. Toàn Quân chủng Phòng không Không quân chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

1972 là năm mấu chốt cho chấm dứt chiến tranh Việt Nam với đàm phán bốn bên gồm Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa tại Paris. Bốn năm với hơn hai trăm phiên họp, hội nghị vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng.

Ngày 14/12, đàm phán tạm ngừng, Tổng thống Mỹ Richard Nixon phê duyệt kế hoạch ném bom mùa Giáng sinh mang mật danh Linebacker II. Mục tiêu dùng B-52 đánh Hà Nội, Hải Phòng nhằm mặc cả với miền Bắc những điều khoản có lợi và chính quyền Sài Gòn thấy "không bị bỏ rơi".

B-52 là một trong ba trụ cột răn đe hạt nhân của Mỹ (cùng với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo), được truyền thông nước này xem là "pháo đài bất khả xâm phạm". Hồi tháng 4/1972, B-52 từng đánh phá Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng nhằm "kiểm tra năng lực phòng không" của miền Bắc Việt Nam.

Không gặp nhiều trở ngại khiến Lầu Năm Góc tự tin khích lệ phi công B-52: "Bay vào Hà Nội chỉ như một cuộc dạo chơi trong đêm phương Đông. Ở độ cao 10.000 m, đối phương không thể với tới. Các bạn chỉ cần ấn nút rồi trở về căn cứ an toàn, sạch sẽ".

 

DÀN TRẬN

Mỹ bố trí B-52 tại hai căn cứ Andersen trên đảo Guam (Thái Bình Dương) và Utapao (Thái Lan). Máy bay tiếp dầu xuất phát từ Okinawa (Nhật Bản) và Philippines. Lực lượng tiêm kích chiến thuật được huy động từ căn cứ không quân ở Đà Nẵng, Biên Hòa, Tân Sơn Nhất (miền Nam Việt Nam) và 5 sân bay quân sự ở Thái Lan.

Các phi đội B-52 tập kích Hà Nội theo hai hướng. Chính yếu tây bắc, đội hình xuất phát từ căn cứ Utapao - cách Hà Nội hơn 1.000 km, bay qua thượng Lào, lấy điểm kiểm tra cuối cùng ở Phú Thọ hoặc nam Việt Trì, Nà Sản rồi vào không phận Hà Nội. Đội hình đi về hết 4,5-5,5 tiếng. Từ căn cứ này, mỗi chiếc B-52D mang 22,3 tấn bom (99 quả bom, 225 kg/quả).

Hướng thứ yếu tây nam, B-52 xuất phát từ đảo Guam, cách Hà Nội khoảng 4.600 km, tiếp dầu dọc đường rồi bay vào Quy Nhơn, đến Hạ Lào vòng lên phía bắc và đột nhập vùng trời Sơn La. Theo hướng này, đội hình đi về mất 14-16 tiếng. Mỗi chiếc B-52G mang gần 9,2 tấn bom (27 quả, mỗi quả 340 kg). B-52D mang 60 quả, tổng 13,5 tấn bom.

Đường rút của phi đội theo hướng tây nam, thoát sang Lào rồi quay về đường bay cũ hoặc ra Biển Đông. Với Hải Phòng, B-52 đột nhập từ hướng đông bắc theo cửa Nam Triệu và đông nam theo sông Văn Úc.

 

Hướng B-52 tiến vào và rút ra khỏi Hà Nội

Về phía miền Bắc, Tiểu đoàn trưởng tên lửa 57 Nguyễn Văn Phiệt khi ấy, sau này là Phó tư lệnh chính trị Phòng không Không quân, khẳng định: "Cuộc chiến không bất ngờ". Khi miền Bắc chống chiến tranh phá hoại lần đầu 1965-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo "sớm muộn đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội".

Từ nhiều năm trước, miền Bắc đã nghiên cứu cách đánh B-52 và hoàn thiện trước cuộc tập kích chỉ một tháng. Theo trung tướng Phiệt, khó nhất làm sao bắt được nhiễu B-52. Khi bay ném bom, B-52 mang tới 17 máy phát nhiễu, kèm theo đội hình máy bay tác chiến điện tử, cường kích thả xuống hàng triệu sợi mồi bẫy bằng kim loại, tạo thành bức màn chắn mọi sóng radar, che kín tầm mắt của tên lửa và tiêm kích đối phương.

Bộ đội tên lửa đã dựng quy trình bắt tín hiệu B-52, đưa trắc thủ, kíp chiến đấu vào Quân khu IV - nơi pháo đài bay thường hoạt động để tập vạch nhiễu tìm B-52, khảo nghiệm cách đánh. Bộ đội radar mang khí tài lên núi, phát sóng cảnh giới từ xa. Phi đội MiG-21 huấn luyện bay chặn kích cả ngày lẫn đêm, tập cất hạ cánh trên đường bay ngắn; cao xạ tập đánh máy bay chiến thuật; dân quân tự vệ túc trực bên súng...

Dự đoán B-52 tập kích Hà Nội chủ yếu hai hướng tây bắc và tây nam, các trung đoàn tên lửa lập trận địa chặn đánh từ cửa ngõ theo hai hướng này và phía nam thành phố.

Sau ba lần bổ sung, phương án chống tập kích đường không được Bộ Tổng tham mưu phê duyệt ngày 24/11/1972. Mục tiêu "tập trung cao nhất lực lượng bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng. Đối tượng tác chiến chủ yếu là máy bay B-52 và quyết tâm bắn rơi B-52 tại chỗ". Tên lửa là chủ lực đánh B-52 thay vì không quân như dự kiến ban đầu.

Cuộc sơ tán lớn nhất trong lịch sử kháng chiến Thủ đô hoàn thành trưa 18/12/1972. Thành phố chỉ còn lại cơ quan chỉ huy, lực lượng chiến đấu, tự vệ với lưới lửa phòng không tầng cao, tầng thấp giăng sẵn khiến đối phương có thể "bước trên đầu ngọn súng".

 

NHỮNG ÁT CHỦ BÀI

Lầu Năm Góc huy động gần một nửa số B-52 (193/400 chiếc), cất cánh 663 lần; hơn 1/3 số máy bay chiến thuật (khoảng 1.200), cất cánh gần 4.000 lần, 6 trên tổng số 24 tàu sân bay, 66 tàu chiến của Hạm đội 7 ở vịnh Bắc Bộ. Đây là cuộc tập kích đường không lớn nhất trong lịch sử chiến tranh.

B-52 ném bom theo đội hình, mỗi tốp 3 chiếc, mỗi đợt ít nhất 6 chiếc và nhiều nhất 75 chiếc, theo tài liệu chỉ huy tác chiến phía Việt Nam năm 1972. Hộ tống dàn B-52 là hàng chục chiến đấu cơ làm nhiệm vụ săn lùng MiG-21, thả dải nhiễu và chế áp trận địa tên lửa... Các trận tập kích dùng B-52 ném bom ban đêm, máy bay chiến thuật đánh bồi dai dẳng ban ngày, máy phát nhiễu điện tử hiện đại hỗ trợ.

Chiến dịch phòng vệ do Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân tổ chức, chỉ huy 6 trung đoàn tên lửa, 4 trung đoàn tiêm kích, 16 trung đoàn và 22 tiểu đoàn pháo phòng không, 4 trung đoàn radar, 346 đơn vị pháo, súng máy phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ.

Tên lửa là lực lượng có điều kiện tiêu diệt B-52, song các đơn vị đang phân tán nhiều nhiệm vụ. Bảo vệ Hà Nội lúc này có 9 tiểu đoàn. Ông Nguyễn Văn Phiệt kể, bộ khí tài của Tiểu đoàn 57 đã qua 14.000 giờ mở máy, dính trận lụt một năm trước tưởng được nghỉ ngơi, nhưng phải làm nhiệm vụ.

                                                              

Thượng tướng
Văn Tiến Dũng
Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam

Thiếu tướng
Phùng Thế Tài
Phó tổng tham mưu QĐND Việt Nam

Đại tá
Lê Văn Tri
Tư lệnh Phòng không Không quân

ĐỐI MẶT

Từ sáng đến chiều 18/12, máy bay Mỹ đột ngột giảm tần suất hoạt động, không thấy tốp B-52 nào. Toàn bộ màn hình radar cảnh giới "trong vắt". Những dấu hiệu không bình thường báo hiệu một trận đánh lớn.

Xế chiều, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho kíp trực ban tác chiến phải ở lại hầm T1: "Đồng chí Lê Đức Thọ từ Paris về. Máy bay vừa hạ cánh. Hội nghị bế tắc. Ta phải cảnh giác cao độ. Nó đánh đấy", mệnh lệnh được đưa ra.

16h - gần bốn tiếng trước khi B-52 ném bom Hà Nội, tin tình báo báo về "nhiều tốp B-52 đã cất cánh từ sân bay trên đảo Guam". Toàn Quân chủng Phòng không Không quân sẵn sàng chiến đấu. "Cùng thời điểm, Nixon gửi công hàm như một tối hậu thư, hạn trong 72 giờ ta phải trở lại bàn đàm phán theo những điều kiện của Mỹ", Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong hồi ký.

Gần 19h, trạm radar của Trung đoàn 291 phía tây Nghệ An là điểm đầu tiên bắt được tín hiệu B-52, phát cảnh báo về trung tâm tác chiến "B-52 đang hướng Hà Nội bay tới".

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, Trợ lý tên lửa Cục Tác chiến khi ấy, kể lại ông vã mồ hôi lạnh, "nhiều năm đánh Pháp, đánh Mỹ cộng lại chưa bao giờ hai vai nặng trĩu như lúc này". Báo cáo Bộ Tổng tham mưu, ông xin kéo còi báo động sớm hơn quy định 35 phút. Tín hiệu báo động phòng không toàn miền Bắc rú vang, nhân dân gấp rút sơ tán xuống hầm.

Dưới chân hoàng thành Thăng Long, điện thoại liên lạc giữa hầm D67 từ Tổng hành dinh và Hầm chỉ huy tác chiến T1 liên tục réo. Trong hầm T1, ai nấy mồ hôi đẫm áo dù là đêm đông.

Về phía Mỹ, để tập kích Hà Nội, B-52 xuất phát từ Utapao theo hướng tây bắc và Guam theo hướng tây nam. Máy bay chiến thuật từ 6 tàu sân bay trên vịnh Bắc Bộ và đất Thái Lan. Trọng điểm bắn phá là Hà Nội, Hải Phòng. Một số ngày, vùng ngoại vi như Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn cũng bị đội bom.

 

NGHỆ THUẬT TÁC CHIẾN

"Tôi thấy lạ với cách đánh của người Việt Nam. Có lẽ chúng tôi chưa hiểu hết, nên chúng tôi phải ngồi đây", tù binh phi công Mỹ trả lời Phạm Tuân trong cuộc tiếp xúc tại nhà tù Hỏa Lò, đầu năm 1973. Theo trung tướng Phạm Tuân, nếu so kè kỹ thuật với phi công Mỹ có thể còn nhiều vấn đề, nhưng điều vượt lên của bộ đội Việt Nam là cách đánh sáng tạo cùng bản lĩnh đánh thắng.

Chiến dịch đáp trả cuộc tập kích đường không cuối năm 1972 là trận đấu trí, đọ sức của cả hai phía. Những máy bay ném bom đáng gờm nhất thế giới đã gặp phải mạng lưới phòng không miền Bắc được tổ chức nhiều tầng, nhiều lớp, tỏa khắp thành thị đến nông thôn, dùng từ vũ khí thô sơ đến hiện đại. Như lời một phi công Mỹ từng tham gia chiến dịch: "Tên lửa phóng lên nhiều đến nỗi bạn cảm giác có thể đi trên mũi những quả đạn đó. Pháo phòng không sáng đến mức có thể đọc báo trong buồng lái".

Những sáng tạo trong cách đánh B-52, theo trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, là nhiều năm tích lũy kinh nghiệm trong gian khổ và máu xương của bộ đội phòng không, với sự giúp sức của chuyên gia Liên Xô.

 

THIỆT HẠI

"Liền trong 12 ngày đêm, Mỹ tiến hành cuộc ném bom rải thảm mà sự tàn phá đã lớn hơn cả sự tàn phá trong cuộc ném bom suốt từ đầu chiến tranh Việt Nam tới giờ. Cuộc ném bom với mức độ tàn phá có tính hủy diệt", Weldon A.Brown, giáo sư sử học Mỹ, nhận định.

Các tỉnh miền Bắc đã phải hứng chịu 36.000 tấn bom B52, vượt tổng lượng bom ném xuống toàn miền thời kỳ 1969-1971. Riêng Hà Nội chịu 10.000 tấn. "Bình quân mỗi km2 Hà Nội hứng 33,33 tấn bom, trong khi Thế chiến II Đức 5,4 tấn và Nhật 0,43 tấn", thống kê của Bảo tàng chiến thắng B52. Hà Nội là đích đến của 66,5% lần máy bay B-52 cất cánh (441 trên tổng số 663 lần).

Chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội -Hải Phòng năm 1972 được ví như "Điện Biên Phủ trên không". "Chiến dịch đầu tiên trên thế giới bắn rơi nhiều máy bay B-52, giáng cho không quân Mỹ đòn thất bại nặng nề nhất trong lịch sử, đánh bại âm mưu giành thế mạnh trên bàn đàm phán, góp phần buộc Mỹ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam", thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, nhấn mạnh tại hội thảo khoa học ngày 9/12/2022.

Với trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, 84 tuổi, 12 ngày đêm cuối năm 1972 "là cuộc chiến đấu không cân sức, khốc liệt nhất trong đời quân ngũ".

"Mỹ đã thua trong ván bài cuối cùng, đúng như lời tiên đoán của Bác Hồ

'Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt.

Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng.

Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 Hồi ức Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng

"Chiến dịch Linebacker II là một trong những cuộc bắn phá dữ dội nhất trong lịch sử.

Một chiến dịch gây sốc và kinh hãi với sức mạnh không quân áp đảo nhằm khuất phục

một đối thủ đầy quyết tâm bằng lượng bom khổng lồ.Không quân Mỹ đã phải chịu

những tổn thất mà đến tận ngày nay dường như không thể đong đếm hết được".

Brad Lendon

 Nhà báo Mỹ

"Đối với người Việt Nam, Linebacker II chỉ đơn giản là một trong những chiến thắng trong chuỗi

những trận đánh của 30 năm giành độc lập. Bằng chứng cho thắng lợi của Việt Nam trong

Linebacker II chính là đất nước Việt Nam thống nhất và độc lập hoàn toàn".

Marshall Michel

Phi công từng tham chiến ở Việt Nam

 

Nguồn:

          Đồ họa: Tiến Thành

          Nội dung: Hoàng Phương - Vũ Anh - Sơn Hà - Nguyễn Tiến

(Sưu tầm)